Thời gian qua, nhiều cơ sở y tế đã thực hiện xã hội hoá theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ảnh minh hoạ |
Qua đó góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần hạn chế tình trạng người Việt đi nước ngoài khám, chữa bệnh, vừa thu hút bệnh nhân nước ngoài tới Việt Nam chữa trị.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, chủ trương xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế là chủ trương đúng đắn, đã được thông qua bởi các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các đạo luật và được cụ thể hóa tại Nghị định 16, 42, 43. Ngoài ra, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản về liên doanh, liên kết trong vấn đề lắp đặt các trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng khẳng định, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước có hạn, xã hội hóa có thể mở rộng những dịch vụ y tế cho người dân. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống thiết bị hiện đại, các y, bác sĩ cũng được học tập và nâng cao trình độ chuyên môn, qua đó phục vụ tốt hơn. Người dân cũng là người được thụ hưởng, bởi với một chi phí không cao so với nước ngoài nhưng được hưởng những thành tựu về hiện đại hóa các quy trình kỹ thuật về y khoa trong điều kiện nước ta.
Trước đây, mỗi năm người Việt chi phí khoảng 2-3 tỷ USD khám chữa bệnh ở nước ngoài, thì hiện nay xu hướng người Việt chọn các cơ sở khám chữa bệnh trong nước ngày một tăng lên với sự phát triển của y tế kỹ thuật cao trong nước.
Kỹ thuật cao trong y tế của Việt Nam đã vươn tầm thế giới, không chỉ phục vụ người dân Việt Nam mà y tế nước ta còn là điểm đến của nhiều bệnh nhân Việt Kiều, các nước lân cận...
Theo ông Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thời gian qua, nhiều cơ sở y tế đã thực hiện xã hội hóa theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chính sách này nhằm huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cung cấp, chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Việc liên doanh, liên kết trang thiết bị đã từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng và đa dạng của các tầng lớp nhân dân; làm thay đổi nhận thức của các đơn vị trong việc đầu tư trang thiết bị, đó là thái độ không chỉ “chăm chăm” trông chờ ngân sách để có trang thiết bị đáp ứng nhu cầu chẩn đoán, điều trị, phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới. xã hội hóa góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị tại đơn vị, người dân được thụ hưởng dịch vụ ngay tại địa bàn, hạn chế việc chuyển tuyến trên.
“Khi ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu cung cấp trang thiết bị y tế hiện đại, xã hội hóa là điều tất yếu, là cơ hội giúp bệnh viện nâng cao chất ượng khám chữa bệnh; người dân được phát hiện và điều trị kịp thời. Thực tế, ngành y tế có rất nhiều tiến bộ nhờ xã hội hóa khẳng định thương hiệu y tế Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới. Từ đó, vừa thu hút bệnh nhân nước ngoài tới Việt Nam chữa trị, vừa hạn chế tình trạng người Việt đi nước ngoài khám, chữa bệnh”, ông Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh.
Nhằm chấn chỉnh một số tồn tại của hình thức xã hội hóa này, trong đó có tình trạng nâng giá các trang thiết bị y tế, Bộ Y tế tăng cường chẩn chỉnh hoạt động này. Không phải bây giờ Bộ Y tế mới có yêu cầu rà soát trang thiết bị xã hội hóa, mà từ trước đây đã yêu cầu thanh tra, kiểm soát, giao giám đốc các sở y tế và bệnh viện có trách nhiệm công khai với người dân về giá dịch vụ và việc xã hội hóa dịch vụ.
Gần đây, lãnh đạo Bộ Y tế đã ký Chỉ thị 20 yêu cầu tất cả cơ quan y tế trong cả nước, sở y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế rà soát lại, nhằm đảm bảo quyền lợi của người thụ hưởng, công khai giá dịch vụ y tế để người dân có quyền lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu.
Bộ Y tế cũng đã công khai tất cả giá trang thiết bị lên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế như giá thuốc, vật tư y tế... để làm “kênh” cho các đơn vị tham khảo khi tổ chức mua sắm, tổ chức xã hội hóa.