Khối FDI tạo ra các mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới, đa dạng, kim ngạch cao, tăng nhanh. |
Thành công là cơ bản
Kim ngạch xuất khẩu của khối FDI tăng mạnh, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Năm 2005, xuất khẩu của khối này chỉ chiếm 37% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhưng đến năm 2010 đã chiếm tới 54%. Từ năm 2015, xác lập tương quan tỷ trọng giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam là 70/30. Không dừng lại, năm 2021, tỷ trọng của khối FDI lên 73,6%.
Khối FDI tạo ra các mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới, đa dạng, kim ngạch cao, tăng nhanh. Năm 2021, đã có 35 mặt hàng xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt từ 10 tỷ USD trở lên (năm 2020 con số này chỉ là 6), đàng hoàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, khối FDI tiếp tục là tác nhân quan trọng cải tiến cơ cấu xuất khẩu theo hướng tích cực, với nhóm công nghiệp chế biến đạt 289,1 tỷ USD, chiếm áp đảo tới 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu ngày càng đa dạng. Số thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng, xác lập các “cánh đồng mẫu lớn” cho xuất khẩu. Năm 2021, có 33 thị trường đạt từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó 10 thị trường đạt 5 tỷ USD trở lên, 5 thị trường đạt từ 10 tỷ USD trở lên, với tổng kim ngạch 206,2 tỷ USD, chiếm 61,3% tổng kim ngạch xuất khẩu vào tất cả các thị trường.
Khối FDI là nhân tố chính tạo nên thặng dư thương mại cao của Việt Nam liền mạch 6 năm (2016 - 2021), do liên tục xuất siêu lần lượt 23,8 tỷ USD; 27,6 tỷ USD; 32,1 tỷ USD; 35,9 tỷ USD; 34,5 tỷ USD và 29,3 tỷ USD.
Kết quả trên chẳng những giúp Việt Nam có tiếng nói trong đàm phán, ký kết nhiều FTA, trong đó có FTA thế hệ mới, mà còn bồi thêm xung lực để thực thi các FTA, tăng sức hút của các FTA, hối thúc một số nền kinh tế có tên tuổi xin gia nhập các định chế này. Vị thế, tiềm năng và uy tín của Việt Nam được nâng lên tầm cao mới.
Nhờ FDI mà một số địa phương đã nổi danh. Năm 2021, Bắc Ninh đứng thứ 2 cả nước về xuất khẩu, đạt 44,8 tỷ USD, sau TP.HCM, song xuất siêu tới 6,5 tỷ USD, trong khi TP.HCM nhập siêu 15,2 tỷ USD. Đó là do Bắc Ninh thu hút FDI thuộc nhóm hàng đầu, lại chủ yếu là công nghệ cao, đóng góp tuyệt đại bộ phận vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Những hạt sạn
Một số doanh nghiệp FDI đầu tư theo kiểu “mì ăn liền”, sớm cho kim ngạch lớn, lợi nhuận cao, không chịu khai thác tiềm năng thế mạnh của Việt Nam, tạo giá trị gia tăng cao cho hàng xuất khẩu.
Một vài doanh nghiệp FDI đem vào thiết bị công nghệ cao, nhưng chỉ là gia công, lắp ráp, người lao động chỉ việc lặp đi lặp lại động tác giản đơn trên băng chuyền, không cần kỹ thuật cao, đào tạo dài ngày. Nhưng cường độ cơ bắp thì ngược lại, sức lực bị bào mòn nhanh, thường không đủ sức “trụ” trong dây chuyền sản xuất đến tuổi nghỉ hưu thông lệ.
Có FDI hành xử thô bạo với lao động Việt cùng chế độ lương thưởng, điều kiện bảo hộ lao động không thỏa đáng. Lại có nhà FDI bỗng dưng biến mất bỏ mặc thợ thuyền.
Cá biệt có sự cấu kết giữa chủ FDI với viên chức quản lý bản địa để chuyển giá, mập mờ mức thuế, định giá thấp đóng góp của phía Việt Nam trong liên doanh…
Đổi mới thế nào?
Thu hút đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu có chọn lọc, đảm bảo nâng cấp công nghệ và gia nhập mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung vào công nghệ chế biến, chế tạo từ vật tư, nguyên liệu sẵn có, tại chỗ, sản vật thô, phụ phẩm, phế phẩm từ chu trình sản xuất…
Thu hút đầu tư vào các địa bàn heo hút nhưng tiềm năng, những nơi có ngành nghề truyền thống đang trắc trở, góp phần phát triển đa chiều ở nông thôn, vùng cao, biên giới, dân tộc ít người.
Hạn chế tối đa tiếp nhận đầu tư mới hay mở rộng dự án FDI chỉ gia công, lắp ghép. Khuyến khích mở mang công nghệ hỗ trợ cung ứng phụ tùng, linh kiện, vật liệu… cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam. Chắp mối liên doanh giữa doanh nghiệp nội với doanh nghiệp FDI, tranh thủ học hỏi trình độ quản lý, kỹ thuật của họ.
Không nôn nóng tăng GDP cùng xuất khẩu mà tiếp nhận vội vàng những dự án vi phạm môi trường, khai thác bừa bãi, thâm dụng, lãng phí tài nguyên, tốn năng lượng, kỹ thuật lạc hậu.
Nhất quán chính sách ưu đãi đối với FDI. Không lạm dụng từ “linh hoạt”, mỗi nơi đề ra biệt đãi, nhất là về chính sách thuế, tiếp cận vốn, đất đai… để kéo dự án về địa bàn mình, nhưng tổn hại lợi ích quốc gia, thiệt thòi cho nông dân nhường ruộng vườn cho các dự án FDI.
Liên doanh khai thác logistic dựa trến thế mạnh có biển rộng, sông dài, cảng nước sâu, vịnh kín. Thực hiện chủ quyền phù hợp với các định chế quốc tế. Triển khai đồng bộ, đồng loạt quản lý, giám sát FDI...