Đây cũng là chủ đề tại Diễn đàn chuyên đề số 9 của Tổng Liên đoàn Lao động trong khuôn khổ các hoạt động Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Tại Diễn đàn,Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho khẳng định: “Bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (Ảnh: Hoàng Phúc). |
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau, gắn kết và đan xen ngày càng chặt chẽ với nhau, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ và sâu rộng.
Đề cập đến nội dung Kết luận số 16-KL/TW, ngày 14/2/2012 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020, tham luận của Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ: “Suốt chặng đường hơn 94 năm, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả quan trọng theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại nhân dân của Đảng, góp phần nâng cao vị thế tổ chức Công đoàn Việt Nam trong phong trào công nhân và Công đoàn quốc tế”.
Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, vị trí, vai trò, nhiệm vụ của công tác đối ngoại trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, phản bác các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ truyền thống lịch sử của giai cấp công nhân và giá trị bền vững của tổ chức Công đoàn Việt Nam được tổ chức Công đoàn Việt Nam khẳng định và chỉ rõ trong văn kiện, nghị quyết của Ðại hội.
Đặc biệt, Chương trình số 01/CTr-BCH của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023” xác định mục tiêu quảng bá hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam; thúc đẩy sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, của người sử dụng lao động, của các tổ chức Công đoàn quốc tế và đối tác quốc tế đối với Công đoàn Việt Nam.
Thực hiện Chương trình 01 và Nghị quyết số 15/NQ-BCH ngày 11/2/2022 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, công tác thông tin đối ngoại của tổ chức Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã có nhiều chuyển biến tích cực, trở thành “cầu nối” truyền tải những mô hình hay, kinh nghiệm hoạt động của phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn thế giới.
Đồng thời, kết nối Công đoàn Việt Nam với quốc tế, đồng thời góp phần huy động nguồn lực để đổi mới tổ chức và hoạt động; đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch.
Đại biểu tham dự tại Diễn đàn. |
Tại Diễn đàn, Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nêu rõ những kết quả nổi bật trong thời gian qua. Đáng chú ý, các cơ quan báo chí, cổng thông tin điện tử và trang thông tin điện tử của các cấp Công đoàn cơ bản bám sát và phản ánh đầy đủ về phong trào công nhân, viên chức, lao động; tình hình đoàn viên Công đoàn; các hoạt động nổi bật, chủ trương lớn của tổ chức Công đoàn Việt Nam; chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước…
Trong đó, có hơn 20 nghìn tài khoản mạng xã hội (facebook), hàng chục nghìn tài khoản zalo do các cấp Công đoàn đăng ký lập đã lan tỏa thông tin, tăng hiệu ứng tuyên truyền cho các bài viết trên báo chí chính thống.
Tình hình dư luận trong và ngoài nước luôn được cập nhật kịp thời, cung cấp thông tin và chủ động định hướng dư luận về các vấn đề liên quan đến lao động được người dân, lao động trong nước và cộng đồng quốc tế quan tâm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tham luận của Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng chỉ rõ những hạn chế, khó khăn trong công tác thông tin đối ngoại.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Bám sát phương châm triển khai công tác thông tin đối ngoại của Đảng là: “Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”, Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 4 giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại gắn với việc triển khai hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh của cán bộ Công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thứ hai, xây dựng kế hoạch triển khai công tác thông tin đối ngoại gắn với chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028” và kế hoạch tuyên truyền hàng năm. Trong đó, chú trọng chọn lọc thông tin tuyên truyền về những mô hình hay, kinh nghiệm hoạt động của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn thế giới để nghiên cứu, học hỏi, áp dụng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
Thứ ba, đổi mới phương thức, nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức thuyết phục của công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại. Quan tâm đầu tư cho các cơ quan báo chí công đoàn, Cổng thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam xây dựng và tổ chức thông tin trên chuyên trang tiếng nước ngoài.
Thứ tư, đẩy mạnh đấu tranh phản bác thông tin sai trái, tiêu cực ảnh hưởng đến hình ảnh của tổ chức Công đoàn. Tiếp tục tuyên truyền, vận động, đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc tại các cơ chế đa phương mà công đoàn là thành viên; chú trọng công tác dự báo, kịp thời nắm bắt các luồng thông tin dư luận trong và ngoài nước.