Đầu tư Phát triển bền vững
Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn
Nguyễn Linh - 31/03/2024 09:05
Hưởng ứng Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024, Liên minh Hợp tác xã và Hội Nông dân TP. Hà Nội sẽ phối hợp triển khai tổng số 17 hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tập thể.

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Thành phố Hà Nội, đơn vị này đã thống nhất với Hội Nông dân TP. Hà Nội về các nội dung thuộc kế hoạch phối hợp tuyên truyền đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2024 - 2028.

Thông tin về tình hình kinh tế tập thể, Hợp tác xã và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ông Phạm Minh Điển, Trưởng ban Kế hoạch và Hỗ trợ cho biết, đến hết 31/12/2023, cả nước có 31.364 Hợp tác xã, trong đó có 20.710 Hợp tác xã nông nghiệp, 2.448 Hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 2.745 Hợp tác xã thương mại dịch vụ, 1.908 Hợp tác xã giao thông vận tải, 918 Hợp tác xã xây dựng, 637 Hợp tác xã môi trường, 1.183 Quỹ tín dụng nhân dân, 775 Hợp tác xã lĩnh vực khác. 

Kinh tế tập thể hợp tác xã đang là khu vực kinh tế quan trọng.

Riêng năm 2023, cả nước thành lập mới 2.156 Hợp tác xã, khu vực kinh tế tập thể, Hợp tác xã thu hút 7,05 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn và 2,58 triệu lao động, tổng vốn điều lệ đạt 60,069 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,915 tỷ đồng/Hợp tác xã, tổng giá trị tài sản đạt 194,332 nghìn tỷ đồng; có 120.983 tổ hợp tác, các tổ hợp tác thu hút 1,815 triệu thành viên là hộ gia đình…

Các Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất, chế biến sâu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sản xuất tập trung và chuyên canh theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, kết hợp phát triển kinh tế nông nghiệp và dịch vụ, du lịch; áp dụng sáng tạo các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ cao; tiếp cận sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, cấp mã vùng trồng, cấp mã số nhà sơ chế, đóng gói và xuất khẩu; sản xuất đạt OCOP cũng như chủ động trong liên kết chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Các Hợp tác xã trong lĩnh vực phi nông nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp liên kết, đẩy mạnh sản xuất, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Xu hướng chuyển đổi số, sản xuất hữu cơ, phát triển các mô hình gắn với kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ.

Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Thành phố Hà Nội cũng cho biết, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã và Hội Nông dân TP. Hà Nội sẽ phối hợp triển khai tổng cộng 17 nội dung công việc; trong đó, Liên minh chủ trì thực hiện 10 hoạt động, còn Hội Nông dân sẽ là đầu mối tổ chức triển khai 7 chương trình, sự kiện khác.

Trước mắt trong tháng 4/2024, hai bên sẽ phối hợp triển khai lễ kỷ niệm ngày Hợp tác xã Việt Nam (11/4). Đây là sự kiện lớn nhất, dự kiến có quy mô 300 đại biểu. Tổ chức 8 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý các hợp tác xã tại các huyện: Phúc Thọ, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thường Tín, Chương Mỹ, Ba Vì, Hoài Đức, Thạch Thất.

Về phía Hội Nông dân TP. Hà Nội, dự kiến từ nay đến tháng 6/2024, các cấp Hội sẽ tổ chức 9 buổi tuyên truyền cho gần 1.000 cán bộ hội nông dân các cấp về xây dựng mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội. Đồng thời, tổ chức tọa đàm về xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã tại các cụm thi đua…

Đặc biệt, cuối tháng 4, Liên minh Hợp tác xã và Hội Nông dân TP. Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo Trung ương và Thành phố Hà Nội với các hợp tác xã. Hội nghị được kỳ vọng sẽ giúp khơi thông những điểm nghẽn hiện nay trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn Thủ đô.

Tin liên quan
Tin khác