Một phiên thảo luận của đại biểu Quốc hội chuyên trách năm 2019. |
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có văn bản thông báo việc dừng tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Như Báo Đầu tư đã thông tin, theo chương trình dự kiến, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/4/2020, cho ý kiến về 5 dự án luật theo lộ trình sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).
Quốc hội đương nhiệm có 167 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, theo thông lệ tất cả sẽ về họp tại Nhà Quốc hội. Riêng năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid - 19 nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức họp trực tuyến.
Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế và để đáp ứng yêu cầu nâng cao mức độ phòng, chống dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định dừng việc tổ chức hội nghị này, Tổng thư ký Quốc hội cho biết.
Dừng hội nghị, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dành thời gian nghiên cứu, góp ý kiến về 5 dự án: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Thanh niên (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Các ý kiến được đề nghị gửi bằng văn bản tới thường trực các uỷ ban chủ trì thẩm tra các dự án luật nói trên để các cơ quan này nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong 5 dự luật nói trên, ba dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ có tác động đáng kể tới môi trường đầu tư, kinh doanh sau khi được ban hành.
Sau phiên họp tháng Ba vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu tiếp tục làm rõ nhiều vấn đề tại ba dự luật nói trên. Ở dự án Luật PPP, cần tính kỹ cơ chế chia sẻ rủi ro, về lĩnh vực đầu tư, về quy mô tối thiểu của dự án, về thủ tục đầu tư, hình thức đầu tư BT và cả sự thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
Với dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cần rà soát quy định những ngành nghề cấm hay đầu tư kinh doanh ngay tại luật để đảm bảo tinh thần của Hiến pháp.
Riêng với đề xuất cấm dịch vụ đòi nợ thuê của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế đề nghị không cấm, ý kiến của Thường vụ Quốc hội vẫn khác nhau, sau khi đại biểu chuyên trách và các đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận, nếu cần thiết sẽ đưa ra Quốc hội dùng phiếu xin ý kiến để quyết định.
Cũng sẽ để hai phương án để đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận là việc có quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hay không.