Với mục tiêu nâng cao vai trò, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân về các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đề án sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, thu hút và hướng dẫn hội viên nông dân tích cực tham gia vào việc phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thông qua các hoạt động, Thành phố mong muốn phát huy sức mạnh nội lực của nông dân Hà Nội trong việc xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, đồng thời khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và tinh thần hợp tác trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của hội viên.
Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Nội Phạm Hải Hoa đã đến thăm hỏi, động viên hộ anh Phùng Đặng Thành ở xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây sau ảnh hưởng của cơn bão số 3. |
Theo Kế hoạch, phấn đấu đến năm 2025 sẽ tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 14 hợp tác xã và 290 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Số lượng này sẽ tăng lên ít nhất 50 hợp tác xã và 1.000 tổ hợp tác vào năm 2030. Kế hoạch cũng đặt mục tiêu củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ít nhất 15 hợp tác xã nông nghiệp do các cấp Hội Nông dân vận động, hướng dẫn và hỗ trợ thành lập vào năm 2025, con số này sẽ tăng lên 100 hợp tác xã vào năm 2030.
Ngoài ra, Kế hoạch hướng đến việc thu hút thêm 12% số hộ hội viên nông dân tham gia các tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp vào năm 2025 và tăng lên 15% vào năm 2030, đặt mục tiêu hỗ trợ ít nhất 10% chi Hội Nông dân nghề nghiệp và tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phát triển thành hợp tác xã, tổ hợp tác vào năm 2025 và tăng lên 25% vào năm 2030.
Dự kiến đến năm 2025, sẽ có ít nhất 50% số hợp tác xã nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và con số này sẽ tăng lên 70% vào năm 2030. Tương tự, 50% số hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng vào năm 2025 và tăng lên 70% vào năm 2030.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện, Kế hoạch đề ra một số giải pháp cụ thể như: Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức và thu hút hội viên tham gia phát triển kinh tế tập thể; củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã; tư vấn và hỗ trợ hội viên thành lập, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các tổ chức kinh tế tập thể; và nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành của Hội Nông dân các cấp.
UBND Thành phố giao nhiệm vụ cho Hội Nông dân Thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch, bao gồm tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về tuyên truyền và vận động nông dân phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời, Hội Nông dân cũng được khuyến khích vận động các nguồn lực xã hội hóa để triển khai thực hiện kế hoạch.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Hội Nông dân thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp và nông thôn, bao gồm tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời lồng ghép với các chương trình, đề án liên quan.
Các huyện, thị xã có trách nhiệm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương, sử dụng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện kế hoạch. Các cấp chính quyền địa phương cũng được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân cùng cấp và các ngành liên quan để đảm bảo thực hiện kế hoạch hiệu quả, đúng tiến độ và phù hợp với tình hình thực tế.