Nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp trong đảm bảo an toàn thực phẩm. |
Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, TP.HCM là địa phương đầu tiên thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP). Bà có thể cho biết vai trò của Sở ATTP trong bối cảnh mới?
Cần phải nói rõ, từ 6 năm trước, TP.HCM đã thí điểm thành lập Ủy ban chuyên trách về ATTP, với mục đích kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP cho thành phố đông dân nhất cả nước này.
Với một thành phố rất đông dân, thì việc đảm bảo ATTP có vai trò rất lớn. Sáp nhập các bộ phận thành một đơn vị tham mưu cho UBND Thành phố, nâng cao cả về vai trò, trách nhiệm pháp lý là một trong những giải pháp trọng tâm thực hiện vai trò này.
Việc thành lập Sở ATTP tạo thuận lợi về pháp lý cho hoạt động của chúng tôi; các sở, ban, ngành khác khi phối hợp với Sở ATTP cũng yên tâm, mạnh dạn hơn vì có sự công nhận về pháp lý. Còn về mục tiêu thì vẫn là làm thế nào để đảm bảo ATTP cho mọi người dân.
Thưa bà, trong quy trình từ sản xuất, thương mại tới tiêu thụ, đâu là trọng tâm trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm?
Nhiệm vụ của chúng tôi là chịu trách nhiệm khi sản phẩm đã trở thành “thực phẩm”. Ví dụ, đối với nông sản như thịt, cá, sữa…, thì tất cả các khâu sản xuất ban đầu chúng tôi không can thiệp, mà đây là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp. Chưa kể, tại TP.HCM, đa số nông sản được sản xuất từ các nơi khác đưa tới tiêu thụ.
Chỉ khi nông sản đã trở thành thực phẩm để lên bàn ăn, thì lúc đó chúng tôi mới có nhiệm vụ phải xác minh nguồn gốc nuôi trồng ở đâu, thực phẩm nhập về có đúng là các sản phẩm đã được đăng ký không, lấy mẫu để kiểm nghiệm xem thực phẩm có chứa chất độc hại hay không…
Là Giám đốc Sở ATTP đầu tiên của cả nước, bà có chịu áp lực gì không?
Tôi cảm nhận trách nhiệm trên vai mình nặng nề hơn vì sự mong đợi từ cộng đồng. Chúng tôi phải bắt tay xây dựng những lượng giá, chỉ số mang tính định lượng, chính xác để đánh giá các kết quả thực hiện công tác đảm bảo ATTP. Hiện nay, Sở ATTP TP.HCM đang tập trung vào 4 chỉ số chính.
Chỉ số thứ nhất là mức độ thanh tra. Hoạt động của đội ngũ thanh tra phải đảm bảo độ phủ, thực tế hơn, số vụ việc được xử lý nhiều hơn và mức xử phạt cũng phải thích đáng và mang tính răn đe hơn.
Chỉ số thứ hai mà chúng tôi áp dụng để đánh giá hiệu quả là số vụ ngộ độc thực phẩm được phát hiện phải giảm về cả số lượng vụ việc lẫn quy mô (số lượng nạn nhân/vụ việc).
Chỉ số thứ ba là kiểm nghiệm, giám sát nguy cơ. Với chỉ số này, yêu cầu phải có giá trị tuyệt đối. Qua 6 năm hoạt động, thí điểm, số mẫu kiểm nghiệm đã tăng lên rất nhiều, tỷ lệ mẫu đạt cũng tốt hơn. Điều này cho thấy việc quản lý ATTP đã tốt dần lên.
Chỉ số thứ tư là phải phát triển những sản phẩm đạt các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP. Chúng tôi xác định, nếu kiểm soát được ATTP, thì thị trường sẽ tăng sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người dân, giảm thiểu được rất nhiều chi phí khác. Vì vậy, chúng tôi sẽ cùng với ngành nông nghiệp phát triển các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, chuỗi thực phẩm an toàn.
Tết Nguyên đán là dịp tiêu thụ số lượng lớn thực phẩm, Sở ATTP kiểm soát trong dịp cao điểm này thế nào?
Chúng tôi tiếp tục tập trung vào hai mảng chính trong dịp Tết Nguyên đán.
Thứ nhất, tăng cường công tác thanh tra. Sở ATTP lập 11 đoàn thanh tra cùng với thanh tra liên ngành của các quận, huyện để đi kiểm tra các cơ sở, tập trung nhiều vào các kho, hệ thống kho trữ nguyên liệu để sử dụng cho Tết. Chúng tôi cũng phối hợp với các địa phương để kiểm soát thực phẩm, bởi đây là nơi cung cấp cho Thành phố.
Qua thực tế công tác thanh tra, tôi kiến nghị cần tạo thuận lợi hơn với công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường các chuyến thanh tra đột xuất. Hiện việc thành lập các đoàn thanh tra còn phức tạp, đoàn thanh tra đi đâu cũng phải có quyết định, kế hoạch, chỉ thị thành lập đoàn thanh tra theo danh sách, đơn vị.
Bên cạnh đó, theo quy định, doanh nghiệp nào đã tiếp đoàn thanh tra, thì sẽ không phải tiếp đoàn thanh tra khác, tức là chỉ có thể thanh tra một lần. Rất nhiều cơ sở đã lợi dụng kẽ hở này để tái vi phạm. Nói cách khác, việc thanh tra theo kế hoạch vẫn còn rất hình thức, cần nhiều hơn những chuyến thanh tra đột xuất để nắm bắt tình hình sát sao, thực tế hơn.
Thứ hai là đẩy mạnh tuyên truyền ATTP đối với người dân, tránh các thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm trôi nổi trên thị trường.
Bên cạnh đó, nếu có xảy ra ngộ độc thực phẩm, có biểu hiện không khỏe sau khi sử dụng bất cứ sản phẩm nào, thì trước tiên hãy đến cơ sở y tế để điều trị và báo lại với cơ quan chức năng về việc tôi đã ăn cái gì, ở đâu… để Sở ATTP tiến hành khoanh vùng, ngăn chặn thực phẩm bẩn.