Doanh nghiệp
Nâng cấp Công ty cổ phần Công trình Viettel, Viettel có Tổng công ty thứ 4
Hữu Tuấn - 12/09/2018 14:20
Công ty Cổ phần Công trình Viettel thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức Lễ công bố trở thành Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction Joint Stock Corporation).

Quyết định được sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội ban hành, thực hiện theo Quyết định số 18/QĐ-TTg được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phê duyệt ngày 03/3/2018 về việc cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.

Đây là dấu mốc quan trọng trong bối cảnh Viettel chính thức bước vào giai đoạn phát triển thứ 4 Toàn cầu và 4.0. Tại sự kiện, Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel đã công bố 4 ưu tiên chiến lược giai đoạn 2018 – 2020. Đó là: Lĩnh vực vận hành khai thác, lĩnh vực Xây lắp, lĩnh vực Đầu tư hạ tầng cho thuê và Giải pháp tích hợp hệ thống.

Ông Lê Đăng Dũng, Phụ trách Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel trao quyết định cho Ban lãnh đạo Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel

Thượng tá Dương Quốc Chính, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel khẳng định: “Mục tiêu đến năm 2025, Tổng công ty chuyển dịch từ nhà thầu xây lắp trở thành nhà đầu tư hạ tầng cho thuê (TowerCo) số 1 tại Việt Nam. Để đạt được các mục tiêu đề ra Tổng công ty hoàn toàn ý thức được việc cần phải các giải pháp đột phá về ứng dụng CNTT và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. 

Phát biểu tại sự kiện, Phụ trách Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn – Thiếu tướng Lê Đăng Dũng đánh giá: “Tổng công ty Công trình cần tiếp tục nâng cao năng lực cốt lõi đó là xây lắp hạ tầng viễn thông, Vận hành hạ tầng viễn thông. Công trình phải xây dựng lộ trình cụ thể để đưa hai lĩnh vực cốt lõi này mở rộng ra ngoài Viettel và ngoài Việt Nam. Đặc biệt, trở thành Tổng công ty thì Công trình cần xác định rõ vai trò của mình trong giai đoạn 4.0 của Tập đoàn Viettel, đặt mục tiêu trở thành Nhà đầu tư (Tower Co)”.

Theo Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, chia sẻ hạ tầng là xu hướng tất yếu trong viễn thông. Các nhà điều hành viễn thông đều muốn tối ưu chi phí bằng cách đi thuê các hạ tầng viễn thông. Mua lại, đầu tư các hạ tầng viễn thông rồi cho thuê lại sẽ là cơ hội lớn nhưng cũng là một việc rất mới, rất thách thức đối với Công trình. Làm chủ về đầu tư, Công trình hoàn toàn có đủ khả năng mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác như năng lượng, giao thông, nông nghiệp,…

Trong 3 giai đoạn trước thành công của Viettel đều có bước chân của Công trình Viettel. Được thành lập vào năm 1995 có tên gọi là Xí nghiệp Xây lắp Công trình, đến nay Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel đã xây dựng được hệ thống hạ tầng mạng lưới viễn thông trong nước với hơn 50.000 trạm phát sóng, 320.000 km cáp quang (tương đương quấn được hơn 7 vòng trái đất), phủ 100% các huyện/xã, biển đảo, hải đảo trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời Tổng Công ty còn tiên phong tham gia xây dựng, hạ tầng viễn thông cho Viettel tại 09 quốc gia cả châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Từ đơn vị xây lắp thuần túy, trở thành Công ty cung cấp dịch vụ viễn thông với quy mô gần 10.000 người.

Tháng 10/2017, Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel trở thành đơn vị đầu tiên thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội lên sàn chứng khoán Upcom với mã chứng khoán là CTR. Hiện tại, vốn chủ sở hữu của Công trình đạt 744 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 471 tỷ đồng. Doanh thu Tổng Công ty từ 8,5 tỷ đồng thời điểm năm 2001, đến hết năm 2018 dự kiến đạt xấp xỉ 4.168 tỷ đồng, tăng trưởng 490 lần. Công trình hiện đứng thứ 3 trong số các Công ty xây dựng trên sàn chứng khoán về tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu.

Tổng Công ty đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ cung cấp dịch vụ vận hành khai thác cho 4-6 quốc gia, đầu tư hạ tầng cho thuê với 5.000 trạm phát sóng, 120 km cống bể hạ tầng ngầm hóa cáp quang tại các đô thị lớn, thành phố thông minh, triển khai hạ tầng IoT cho các bộ, ban, ngành, nhà mạng viễn thông lớn tại Việt Nam,... Mục tiêu doanh thu tới 2020 đạt trên 6.000 tỷ, tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 22%, lợi nhuận đạt 231 tỷ, tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 16%.

Tin liên quan
Tin khác