Năm 2016, khách du lịch từ các nền kinh tế APEC đến Việt Nam chiếm 81% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam |
Chủ động hội nhập
Theo đánh giá của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, năm 2016, du lịch đã đóng góp 1.300 tỷ USD vào GDP của khu vực APEC, tạo 67 triệu việc làm trực tiếp, đóng góp 6,1% vào xuất khẩu của khu vực. Du lịch được dự báo là một trong những ngành phát triển nhanh nhất tại khu vực và là một trong những trụ cột cho sự phát triển kinh tế của các thành viên.
Trong “Tuyên bố Ma Cao” năm 2014, các bộ trưởng du lịch APEC đã đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hút 800 triệu lượt khách quốc tế.
Ước tính, nếu mục tiêu này thành hiện thực sẽ giúp tăng GDP toàn khối thêm 3.800 tỷ USD, tạo thêm 21,1 triệu việc làm và đưa 15,2 triệu người thoát cảnh nghèo đói.
Năm 2016 là năm đầu tiên du lịch Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa với tổng thu từ du lịch đạt trên 18 tỷ USD. Điều đáng chú ý nhất là, khách du lịch từ các nền kinh tế APEC đến Việt Nam chiếm 81% tổng lượng khách quốc tế (8,1 triệu lượt khách).
Trong sân chơi hội nhập, các doanh nghiêp du lịch đang tỏ ra khá chủ động.
Nâng chất lượng để tận dụng cơ hội
Cơ hội không chỉ mở ra cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, mà chính những nhân sự trong ngành cũng sẽ được hưởng lợi nếu đáp ứng đủ yêu cầu năng lực.
Ông Trần Ngọc Lương, Phó tổng giám đốc nhân sự Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh cho biết, APEC đang có dự án do Chính phủ Australia tài trợ, nhằm xây dựng bộ tiêu chí chung cho các thành viên APEC ở 6 nghề trong ngành du lịch khách sạn gồm lễ tân, buồng, bar, bếp, bàn và tư vấn du lịch. Nếu đáp ứng khung năng lực chung, lao động có thể chuyển dịch trong 21 nền kinh tế.
Theo ông Lương, bộ tiêu chí đang trong quá trình xây dựng nên chưa xác định được thời gian triển khai trên thực tế.
Tuy nhiên, ông Vũ Quốc Trí, Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch cho rằng, nếu không có sự xoay chuyển về chất, Việt Nam sẽ không thể tận dụng cơ hội này.
“Câu chuyện dịch chuyển lao động du lịch trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lẽ ra phải thực hiện từ ngày 1/1/2016, nhưng Việt Nam đã đi sau các nước. Tình trạng tương tự sẽ lặp lại trong khối APEC, nếu nhân sự Việt Nam không đủ chất”, ông Trí nói.
Ông Simon Matthews, CEO Tập đoàn Cung cấp giải pháp nhân lực ManpowerGroup tại Thái Lan, Việt Nam và Trung Đông cho biết, theo khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF), Việt Nam chỉ có 134 kỹ sư và 10 kiến trúc sư được công nhận là kỹ sư và kiến trúc sư ASEAN.
Ông Matthews cũng chỉ ra rằng, những điểm yếu của nhân sự của Việt Nam là trình độ chuyên môn, kỹ năng mềm (đặc biệt là khả năng ngoại ngữ) và ý thức.
“Nhân sự ngành du lịch Việt Nam đang yếu cả 4 yếu tố: chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, hiểu biết văn hóa và sức khỏe. Chỉ tính riêng không hiểu văn hóa các thành viên APEC thì cơ hội làm việc tại các nền kinh tế này cũng là khó khả thi”, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam nhận định.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn rằng, việc thay đổi nhân lực du lịch không hẳn đến từ doanh nghiệp mà còn cần sự xoay chuyển từ chính các cơ sở đào tạo.
Mới đây, ông Trương Tường Lân, Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề du lịch Hà Nội tuyên bố sẽ “lấp lỗ hổng” nhân sự ngành du lịch. Chương trình đào tạo bậc trung cấp của cơ sở này sẽ được rút ngắn từ 2 năm xuống 1 năm với cam kết đảm bảo chất lượng doanh nghiệp có thể sử dụng ngay.
“Tư duy cần thay đổi nếu muốn đón cơ hội mới. Chúng tôi hiện đã ký được những hợp đồng với những đối tác tại Canada, Australia và đang xúc tiến ký kết hợp tác với đối tác Nhật Bản nhằm xuất khẩu lao động du lịch các ngành phục vụ chế biến món ăn, phục vụ nhà hàng và buồng”, ông Lân nói.
“Riêng Tập đoàn Vingroup trong vòng 5 năm tới sẽ cần tới 20.000 lao động. Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam xây dựng hàng trăm khách sạn, chưa kể những khách sạn 4 - 5 sao tại Hà Nội 2 năm gần đây, mỗi khách sạn luôn trong tình trạng thiếu nhiều nhân viên ở các vị trí khác nhau”, ông Lân nói.
Cũng cần nhìn lại, tín hiệu dù tốt nhưng tư duy chỉ thay đổi ở một vài cơ sở trong tổng số 256 cơ sở đào tạo du lịch hiện nay được xem là không thể làm xoay chuyển tình thế chất lượng. Khi tình thế không thay đổi, thì lịch sử “tụt hậu” rất có thể sẽ xảy ra. Điều này đồng nghĩa với việc, Việt Nam khó tận dụng triệt để cơ hội dịch chuyển lao động du lịch trong khối APEC.