Tiêu dùng
Nâng cơ hội xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến vào hệ thống phân phối quốc tế
Hoài Sương - 07/06/2024 17:05
Dù ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng trên thực tế, doanh nghiệp Việt vẫn xuất hàng thô, hàm lượng chế biến thấp, khó chinh phục các hệ thống phân phối quốc tế…

Nông sản thô còn chiếm tỷ lệ cao

Ngày 7/6, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Xu hướng thị trường và cơ hội xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào các hệ thống phân phối quốc tế”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” (Viet Nam International Sourcing 2024)

Mặc dù nền kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023 làm tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng âm, tuy nhiên xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phục hồi và tăng trưởng ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu, đóng góp tích cực vào thặng dư thương mại.

Bước sang năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu sang các thị trường chính đều có kim ngạch tăng trưởng dương như sang Hoa Kỳ (tăng 23,9%), Trung Quốc (tăng 8,6%), Nhật Bản (tăng 6,6%). Cùng với đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng trong ngành nông nghiệp cũng đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái như cà phê đạt 2,9 tỷ USD (tăng 44,1%), gạo đạt 2,65 tỷ USD (tăng 38,2%), rau quả đạt 2,59 tỷ (tăng 28,1%), tôm đạt 1,3 tỷ USD (tăng 7,5%)…

Tuy nhiên, Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định: “Thực tế Việt Nam vẫn xuất khẩu nông sản thô là chủ yếu, hàm lượng chế biến thấp, chiếm khoảng 70 - 80% tổng kim ngạch xuất khẩu, nên giá trị và mức độ cạnh tranh không cao. Trong tương lai, xuất khẩu nông sản Việt Nam phải đối mặt với ba thách thức lớn.”

Thứ nhất, tiêu chuẩn chất lượng hay các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao. Thứ hai, thách thức còn đến khi phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường là những xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Thứ ba, những tác động tiêu cực của bệnh dịch, xung đột thương mại, xung đột địa chính trị đã khiến cho chủ nghĩa bảo hộ quay lại khi các nền kinh tế đều có xu hướng bảo vệ nền sản xuất trong nước, dẫn đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện thương mại ngày càng nhiều.

 Doanh nghiệp cần đẩy mạnh mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu mới tiềm năng.

Cập nhật thường xuyên các quy định nhập khẩu

Theo ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), để phát triển bền vững, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lương thực thực phẩm cần nhất lúc này là các chính sách hỗ trợ vốn để đổi mới công nghệ sản xuất, thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình xanh, tuần hoàn, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm.

“Song song đó, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường xuất khẩu mới tiềm năng”, ông Phú Lữ chia sẻ.

Về thị trường EU, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, mỗi năm EU nhập khẩu hơn 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản nhưng nông sản từ Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 4% trong số đó.

Điều này cho thấy, dư địa để tăng thị phần cho nông sản Việt Nam tại đây là rất lớn. Tuy nhiên, EU là một thị trường đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dư lượng và cập nhật thường xuyên các quy định nhập khẩu.

“Vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào EU, các doanh nghiệp Việt Nam phải thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, gia tăng khả năng đáp ứng các tiêu chí sản xuất – vận chuyển – tiêu dùng bền vững”, ông Quân nhận định.

Có thể thấy, việc quản lý chất lượng sản phẩm không chỉ nằm ở khâu sản xuất mà còn là vấn đề từ nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản… Do đó, muốn tránh các rủi ro về chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp Việt phải xây dựng được chuỗi cung ứng có liên kết, kiểm soát chặt chẽ thì mới có thể chinh phục các hệ thống phân phối quốc tế.

Tin liên quan
Tin khác