Tiêu dùng
Xuất khẩu sang các nước tham gia FTA chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam
Hoài Sương - 04/06/2024 11:45
Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2023 đạt trên 86 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2022.

Xuất khẩu sang các nước tham gia FTA ghi nhận phục hồi

Theo Bộ Công thương, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt gần 239 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xuất khẩu đạt 124 tỷ USD, tăng 15,1% và nhập khẩu đạt 115 tỷ USD, tăng 15,1%.

Hiện xuất khẩu phục hồi ở cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp có 100% vốn trong nước. Trong đó, nhóm doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng trưởng cao hơn khi tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 12,4% của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định FTA đều có sự phục hồi tốt. (Ảnh: Lê Toàn)

Xuất khẩu nhóm nông, thủy sản đạt mức tăng trưởng cao, tăng 25,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thủy sản đạt 2,7 tỷ USD, tăng 5,8%; rau quả đạt 1,9 tỷ USD, tăng 38,1%, cà phê đạt 2,5 tỷ USD, tăng 53,4%, gạo tăng 33,6%.

“Xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp phục hồi tốt. Gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 4,9 tỷ USD tăng 25%; hàng dệt may đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,7%; giày dép đạt 6,6 tỷ USD, tăng 7,2%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 21,5 tỷ USD, tăng 33,9%; điện thoại và linh kiện đạt 18,1 tỷ USD, tăng 5%”, Bộ Công thương thông tin.

Hiện nay, ngành công thương ghi nhận việc xuất khẩu các nhóm hàng sang hầu hết các thị trường phục hồi tốt. Trong đó, xuất khẩu sang ASEAN tăng 10,5%; Nhật Bản tăng 3,3%, Hàn Quốc tăng 8,6%, EU tăng 15,1%, Úc tăng 22,6%.

Ngoài ra, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 17 tỷ USD, tăng 12,8%; sang Hoa Kỳ đạt 34,7 tỷ USD tăng 21,2%. Hiện nay, thị trường xuất khẩu được các doanh nghiệp đa dạng hóa, tăng trưởng tại nhiều thị trường mới như: Châu Phi, Bắc Âu, Tây Á trong năm 2023.

Theo Bộ Công thương, trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức 8,4 tỷ USD. Xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định FTA đều có sự phục hồi tốt.

“Đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu thời gian qua là việc Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 Hiệp định FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và đang đàm phán, chuẩn bị khởi động đàm phán 3 Hiệp định và 1 khung khổ kinh tế (Khung khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF)”, Bộ Công thương cho hay.

Đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các Hiệp định FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2023 đạt trên 86 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2022, chưa kể kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác tham gia các FTA đã xóa bỏ thuế quan về 0%.

Bộ Công thương sẽ xây dựng giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy tận dụng hiệu quả các FTA.

Chưa tận dụng tối đa cơ hội

Bộ Công thương cho biết, hiện hoạt động xuất khẩu và khai thác ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa tận dụng tối đa các cơ hội có được, tính chuyên nghiệp và bền vững của một bộ phận doanh nghiệp chưa cao.

Việc khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu là điều cần thiết hiện nay, do đó, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai đồng loạt các giải pháp trong thời gian tới. Thứ nhất, sẽ duy trì và phát triển các thị trường trọng điểm, khai thác hiệu quả các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA… Đồng thời tăng cường khai thác các thị trường còn tiềm năng như Nga, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi…

Thứ hai, với nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành công thương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao.

Với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, Bộ Công thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, nâng cao năng lực đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn tại các thị trường xuất khẩu. Đồng thời chú trọng thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; không khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường…

Thứ ba, tăng cường cập nhật, cung cấp thông tin về cơ hội xuất khẩu và biến động chính sách tại các thị trường xuất khẩu cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường các nước tham gia các Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để doanh nghiệp kịp thời khai thác.

Thứ tư, tổ chức phổ biến, hướng dẫn về nội dung các cam kết và cách thức tận dụng ưu đãi từ các FTA đến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến, tiện tra cứu, khai thác…

Tin liên quan
Tin khác