Ngân hàng - Bảo hiểm
Nâng hệ số an toàn vốn: Chuyện sống còn của ngân hàng
Vân Linh - 06/01/2019 15:10
Lộ trình áp dụng chuẩn quốc tế Basel II ngày một gần hơn, khiến các ngân hàng đua tăng vốn để nâng hệ số an toàn vốn (CAR) trong năm 2019.

Điểm nghẽn lớn của ngành

Theo Báo cáo “Chiến lược đầu tư năm 2019” vừa được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố, độ ổn định tài chính của Việt Nam ở mức vừa phải, khá nhạy cảm với rủi ro từ bên ngoài, vì vậy, việc gia tăng vốn cấp 1 và giảm tỷ lệ nợ xấu là những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2019 - 2020.

Trước áp lực tiến tới áp dụng các chuẩn mực Basel II, năm 2019 các ngân hàng đua tăng vốn để nâng hệ số an toàn cốn (CAR).

Cụ thể, CAR đang là điểm nghẽn đối với hệ thống ngân hàng Việt. Đây là mức thấp nhất trong khu vực ASEAN. Hiện CAR của ngân hàng Việt Nam được tính theo tiêu chuẩn Basel I, trong khi phần lớn các nước trong khu vực đang thực hiện Basel II. Hiện mới có Vietcombank, VIB và OCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng chuẩn Basel II từ năm 2019.

Kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng nói chung và khối ngân hàng có vốn nhà nước nói riêng tăng trưởng mạnh trong năm qua là điều đáng mừng với ngành. Tuy nhiên, trước áp lực tiến tới áp dụng các chuẩn mực Basel II, thì việc chưa thể tăng vốn, nâng cao hệ số CAR đang điều đáng ngại với không ít nhà băng.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC nhận định, đối với nhiều ngân hàng hiện nay, khả năng sinh lời cao hơn không nhất thiết dẫn tới khả năng bảo toàn vốn tốt hơn. Hệ số CAR trung bình trong ngành ngân hàng đã giảm dần trong những năm gần đây khi tài sản ngân hàng gia tăng nhanh không đi cùng với khả năng ngân hàng tăng vốn cấp 1. Vấn đề này thậm chí còn lớn hơn ở những ngân hàng quốc doanh lớn nhất. Với các ngân hàng này, CAR có thể giảm xuống dưới mức tối thiểu 8% khi Basel II được áp dụng vào năm 2020 (tới tháng 5/2018, CAR trung bình các ngân hàng quốc doanh là 9,4%).

Quan ngại với nhà băng lớn

Thiếu vốn là một rủi ro của nền kinh tế trong bối cảnh chiến lược tăng trưởng do tín dụng dẫn dắt. Thu hút thêm vốn đầu tư, đặc biệt là từ những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, có vai trò quan trọng trong việc gia tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về cải cách như cải thiện chất lượng và sự minh bạch sổ sách cũng như những biện pháp đảm bảo vĩ mô để tiếp tục giảm nợ xấu và giải tỏa các tài sản thế chấp.

“Đến năm 2020, nếu các ngân hàng không thể nâng đủ vốn, Chính phủ có thể phải bơm vốn. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), việc gia tăng vốn này có thể làm giảm 1 - 1,5% GDP”, ông Phạm Hồng Hải nói.

Việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để tăng vốn của Vietcombank, BIDV đang đi đến những bước cuối cùng và kỳ vọng hoàn tất trong năm 2019. Trong đó, Vietcombank sẽ chào bán riêng lẻ gần 360 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm tăng vốn điều lệ thêm gần 3.600 tỷ đồng, BIDV sẽ chào bán 603 triệu cổ phiếu cho một cổ đông chiến lược nước ngoài là KEB Hana Bank. Nếu thành công, vốn chủ sở hữu của hai ngân hàng sẽ đạt mức 1,7 tỷ USD.

Các chuyên gia phân tích của VDSC đánh giá, các thương vụ này sẽ nâng cao khả năng chống chọi của từng ngân hàng, giúp các ngân hàng có vốn nhà nước tiệm cận sớm hơn với Basel II.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhận định, áp lực lớn đối với ngân hàng năm 2019 là tăng vốn khi Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng theo chuẩn Basel II sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2020.

Hệ số CAR trung bình của ngành ngân hàng là 10,4%

Techcombank là ngân hàng có hệ số CAR cao nhất nhì hệ thống tính đến cuối tháng 9/2018 (15,9%). Hệ số này của VIB là 12%, của ACB là 9,7%.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hệ số CAR trung bình của ngành ngân hàng tính đến cuối tháng 5/2018 xấp xỉ 10,4%, thấp hơn không đáng kể so với mức 10,5% vào cuối năm 2017. Trong đó, hệ số CAR của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đạt 9,39%, giảm so với cuối năm 2017 là 9,52%. Hệ số CAR của nhóm ngân hàng TMCP đạt 11,34%.
Tin liên quan
Tin khác