Ngân hàng - Bảo hiểm
Nâng hiệu quả tín dụng chính sách xã hội từ phong trào thi đua
B.T - 07/07/2020 20:34
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong 18 năm qua đã hỗ trợ hơn 37 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách.

ngân hàng cung ứng tín dụng cho người nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội nhìn nhận phong trào thi đua là một công cụ, động lực đẩy nhanh tiến trình hoàn thành các nhiệm vụ, chiến lược phát triển, thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ dân đã đầu tư sản xuất - kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu...

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong 18 năm qua đã hỗ trợ hơn 37 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Trong đó, có trên 5,8 triệu hộ đã thoát nghèo; trên 4,3 triệu lao động được tạo việc làm; gần 3,7 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cũng đã hỗ trợ xây dựng hơn 13 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh ở nông thôn, hơn 727.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, trong đó có gần 130.000 nhà chòi tránh lũ cho các hộ gia đình Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/CP-CP cho hơn 8.700 hộ gia đình...

Đời sống của hộ dân được cải thiện không chỉ giải quyết bài toán giảm nghèo, mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới bền chắc, giúp 4.554 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 51,16% tổng số xã trên cả nước) và 91 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Quan trọng hơn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã sớm cán đích Chiến lược Phát triển giai đoạn 2010 - 2020 của Ngân hàng, tạo nền tảng vững chắc thực hiện chiến lược trong giai đoạn tiếp theo, hoàn thành tốt sứ mệnh cung ứng vốn chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và hội nhập.

Những kết quả này có sự đóng góp quan trọng của các phong trào thi đua. Ban lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội nhận định, hoạt động thi đua là nhiệm vụ chính trị quan trọng; mỗi cán bộ, nhân viên và người lao động cần xác định tư tưởng thi đua; phát huy vai trò, trách nhiệm, phấn đấu hết mình trong từng nhiệm vụ công tác, hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao, góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng vững mạnh.

Nhiều chuyên đề thi đua trở thành “xương sống” thực thi các nhiệm vụ chuyên môn có tính thời sự, mới và phức tạp như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; thi đua thực hiện hoàn thành xuất sắc các chuyên đề; thi đua hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ; thi đua củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; thi đua tham mưu công tác bố trí nguồn vốn địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 40...

Các phong trào thi đua có sự đan xen, lồng ghép vào nhau đã góp phần gia tăng sự lan tỏa hiệu ứng trong hoạt động tín dụng chính sách. Đơn cử, để thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ngân hàng Chính sách xã hội đã xây dựng và nâng cao chất lượng của 10.426 điểm giao dịch xã, xóa bỏ tình trạng xã trắng về tín dụng của Nhà nước. Đồng thời, Ngân hàng đã xây dựng, củng cố gần 175.000 tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã chú trọng ưu tiên tập trung vốn cho vay hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số; cho vay các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện để các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống..., lồng ghép với việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hiệu ứng từ những phong trào thi đua và khen thưởng kịp thời đó đã đưa tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội tính đến thời điểm hiện tại đạt 219.448 tỷ đồng, tăng 76.920 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ tăng 54% so với thời điểm 31/12/2015) với gần 6,5 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ. Chất lượng tín dụng không ngừng được củng cố, nâng cao; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,7% tổng dư nợ.

Tin liên quan
Tin khác