Ngân hàng
Ngân hàng Chính sách xã hội thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng cho hộ nghèo
Nhuệ Mẫn - 21/10/2020 20:38
Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ đề xuất để thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để phục vụ các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Bà Trần Lan Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội phát biểu tại hội nghị về mở rộng tín dụng ngân hàng.

Tại Hội nghị Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Bộ Công an tổ chức tại Hòa Bình cuối tuần qua, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen xảy ra tại nhiều địa phương thời gian qua với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

Tuy nhiên, với sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN và sự vào cuộc của cả hệ thống ngân hàng, sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, hệ thống ngân hàng, với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp đến tận thôn bản, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất - kinh doanh và phục vụ đời sống của người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực hạn chế người dân tìm đến các nguồn tín dụng đen. 

“Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá. Đến cuối tháng 9/2020, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen) ước đạt 2,12 triệu tỷ đồng với 14,17 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 24,67% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2019. Các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, với dư nợ ước đến cuối tháng 8/2020 đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng, chiếm 19,98% dư nợ nền kinh tế, tăng 2,37% so với cuối năm 2019”, ông Tú cho biết.

Đại hiện Ngân hàng Chính sách xã hội, bà Trần Lan Phương, Phó tổng giám đốc cho biết, trước tình hình tín dụng đen diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương, thực hiện chỉ đạo của NHNN, HĐQT Ngân hàng đã chỉ đạo tiến hành khảo sát về tình hình vay tín dụng đen của các đối tượng chính sách xã hội là khách hàng vay vốn của Ngân hàng.

Qua khảo sát nhanh thực tế một số địa phương, vùng miền trên cả nước và thống kê của các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội trong toàn hệ thống, chưa phát hiện được khách hàng nào của Ngân hàng có vay vốn trực tiếp từ hoạt động này.

“Trên cơ sở đó, Ngân hàng Chính sách xã hội dự kiến đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ cho triển khai phương án thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để phục vụ các nhu cầu thiết yếu chính đáng của cuộc sống, góp phần đẩy lùi tín dụng đen”, bà Lan Phương nói.

Ngoài ra, bà Lan Phương chia sẻ thêm, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã có hàng loạt giải pháp nhằm mở rộng tín dụng  phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen như nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Đồng thời, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016; tăng cường công tác quản lý chất lượng tín dụng, phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức hội đoàn thể phối hợp giữa công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với vốn vay…

“Mục tiêu là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng, tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác”, bà Lan Phương nhấn mạnh.

Trong 18 năm qua, đã có hơn 38 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn... Điều này góp phần giúp hơn 5,8 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 4,3 triệu lao động; giúp hơn 129.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 3,7 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 13,7 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 731.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách... Riêng đối với tỉnh Hòa Bình, đến ngày 30/9/2020, tổng dư nợ tín dụng chính sách là 3.350 tỷ đồng với 131.718 khách hàng còn dư nợ.
Tin liên quan
Tin khác