Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên thảo luận. |
Tiếp tục phiên họp thứ 9, sáng 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 2/2022 của Quốc hội.
Báo cáo nội dung này, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân đánh giá cao hành động tích cực, kịp thời của Đảng, Nhà nước trong việc bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine, đã hỗ trợ đồng bào người Việt di chuyển an toàn ra khỏi vùng chiến sự và tổ chức đưa về nước những người có nhu cầu.
Sự vào cuộc kịp thời của Quốc hội trước tình hình xăng dầu liên tục tăng giá, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân cũng được cử tri đánh giá cao.
Ông Bình cũng phản ánh, cử tri và Nhân dân kiến nghị về tình trạng giá xăng, dầu tăng kéo theo giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí khác tăng khiến đời sống, sản xuất người dân gặp khó khăn hơn.
Những vấn đề cử tri quan tâm còn là vụ việc tai nạn thương tâm chìm ca nô chở khách du lịch khiến nhiều người tử vong tại Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam; tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo.
Tình trạng “loạn giá” kit xét nghiệm nhanh Covid-19; việc rao bán các mặt hàng thuốc điều trị virus “xách tay” từ Nga, Trung Quốc… trên các trang mạng xã hội; về việc mua thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 cho người điều trị tại nhà còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người phải mua thuốc ngoài “chợ đen” với giá cao hơn nhiều lần giá nhà nước quy định cũng được cử tri quan tâm, kiến nghị.
Ngoài ra cử tri còn cho rằng, việc khai báo, cấp giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19 gặp nhiều khó khăn do trạm y tế cơ sở quá tải, tình trạng thiếu lao động, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ sở sản xuất kinh doanh do bị cách ly; tình trạng lây nhiễm Covid-19 trong học sinh, giáo viên tại trường học sau khi tổ chức học trực tiếp...
Liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu vấn đề rất bức xúc là thủ tục để hưởng bảo hiểm xã hội với người điều trị tại nhà.
Ông Tùng nhấn mạnh vấn đề này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại hai phiên họp gần đây và báo chí cũng nói nhiều nhưng vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để.
Người mắc bệnh Covid-19 phải có xác nhận của cơ sở y tế cấp huyện nhưng mặt khác thì F0 lại không được khuyến khích đến cơ sở y tế để hạn chế lây nhiễm nên để xin được giấy chứng nhận là rất khó khăn, ông Tùng phân tích.
Từ bất cập trên, ông Tùng đề nghị, nếu Chính phủ không ra nghị quyết thì ủy quyền cho Bộ Y tế công nhận 7 loại giấy tờ, trong đó có cả giấy chứng nhận của y tế xã phường về cách ly để tháo gỡ khó khăn. Còn vướng mắc nữa thì đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có quy định khác luật để thực hiện.
“Chỗ này phải hết sức quan tâm vì ảnh hưởng đến quyền lợi của người nhiệm Covid -19 đang điều trị tại nhà theo đúng chủ trương của chúng ta hiện nay”, ông Tùng nhấn mạnh.
Vấn đề nữa, theo ông Tùng là, cần hướng dẫn cụ thể việc F1, F0 đi làm thì thực hiện cách ly ra sao, nếu F1 vẫn phải cách ly thì phải hướng dẫn họ hưởng bảo hiểm xã hội thế nào, cần quan tâm xử lý.
Cũng liên quan đến phản ánh của cử tri về loạn thuốc điều trị Covid-19, ông Tùng nói rõ theo quy định của Bộ Y tế, để mua thuốc đặc trị phải có đơn của bác sỹ. Khẳng định đây là quy định “hoàn toàn đúng”, nhưng ông Tùng cho rằng, trong bối cảnh điều trị Covid-19 chủ yếu tại nhà, không tiếp cận được đơn thuốc của bác sỹ thì quy định “phải có đơn thuốc mới được mua thì lại rất vướng”. Vì vậy, cần phải nghiên cứu hướng dẫn phù hợp để tạo điều kiện cho f0 điều trị tại nhà cần được mua thuốc mà vẫn quản lý được.
Ngoài ra, ông Tùng cho rằng, cơ quan chức năng cần quan tâm đến việc quảng cáo dự án "ma" phân lô bán nền diễn ra rất phức tạp, ở môt số địa phương như Bình Phước, Quảng Trị có chuyện dàn cảnh tranh mua cướp bán đưa lên mạng xã hội , qua đó tác động đến tâm lý của một số người muốn lướt sóng kiếm lời, gây nên tình trạng lộn xộn, cần được chấn chỉnh.