Thời sự
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Cán bộ thì ổn, nhân dân có thể còn tâm tư
Nguyễn Lê - 14/03/2022 11:11
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kết quả bước đầu giám sát về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu.

Hiện nay, theo báo cáo thì ổn cả, nhưng tới đây Đoàn giám sát sẽ xuống thực địa để đánh giá thật khách quan về hiệu quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Tiếp tục phiên họp thứ 9, sáng 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kết quả bước đầu về giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.

Báo cáo nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Phó trưởng đoàn giám sát cho biết trong giai đoạn 2019 - 2021, cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, qua đó giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện.

Kết quả tiếp theo là đã rà soát, bố trí sử dụng những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp và thực hiện tinh giản đối với những người không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đã chủ động thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Về ngân sách nhà nước, ông Tùng cho biết theo báo cáo của Chính phủ, đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 2.008,63 tỷ đồng, trong đó giảm chi hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã là 1.132,63 tỷ đồng và giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng do thời gian thực hiện còn ngắn nên ở một vài địa phương, tổng kinh phí tiết kiệm được do thực hiện sắp xếp chưa được thể hiện rõ do nguồn kinh phí tiết kiệm được chưa bảo đảm đủ cho việc chi các chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp. Về vấn đề này, Đoàn giám sát sẽ trực tiếp làm việc với địa phương để tìm hiểu cụ thể tình hình, ông Tùng báo cáo.

Về hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, theo báo cáo của các địa phương, sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập cơ bản đạt kết quả tốt, bảo đảm các chỉ tiêu đề ra; đồng thời, công tác quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đều được bảo đảm.

Tuy nhiên, theo báo cáo giám sát một số địa phương cho rằng, chưa có sự khác biệt rõ ràng về chất lượng đô thị giữa trước và sau khi sắp xếp ĐVHC; đa phần các đô thị được mở rộng thêm diện tích sau khi nhập với nông thôn đều có sự giảm sút về chất lượng đô thị so với trước do mật độ dân số thấp, dàn trải trên diện tích rộng hơn, trong khi hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và yếu.

Bên cạnh đó, ở một số địa phương, việc bố trí trụ sở của đơn vị hành chính mới chưa phù hợp, không thuận lợi cho việc giao dịch của người dân trên địa bàn nhất là các đơn vị hành chính miền núi, địa bàn rộng. Việc xây dựng phương án xử lý, quản lý đối với các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn khó khăn do quy trình, thủ tục nhiều bước, mất thời gian.

Cho ý kiến về kết quả giám sát bước đầu, ý kiến chung tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần quan tâm đánh giá chất lượng sau sắp xếp, bởi cũng không loại trừ việc ghép một cách cơ học.

Qua phản ánh của đại cử tri ở Cao Bằng cho thấy việc sắp xếp chưa có sự đồng thuận cao, nên Đoàn giám sát rất cần làm việc trực tiếp, lãnh đạo chắc là ổn, nhân dân thì có thể còn tâm tư, nên cụ thể như thế nào cần báo cáo chính xác, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thì tâm lý chung là không muốn sáp nhập, vì thế cần đánh giá thêm là sau sắp xếp thì chất lượng hoạt động có tốt không hay chỉ để đạt mục tiêu giảm tố chức bộ máy.

Để khách quan, ông Cường góp ý với Đoàngiám sát khi đi thực tế không nên đề nghị tỉnh chuẩn bị báo cáo mà nên xuống địa bàn do Đoàn chọn trước. Nếu chuẩn bị trước là đồng thuận hết nên phải nghe nhiều chiều, còn nếu theo hướng cứ phải đồng thuận thì sẽ không còn dân chủ, khách quan, ông Cường nói.

Một số ý kiến cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến việc sắp xếp hơn 3.400 cán bộ xã và hơn 400 cán bộ huyện dôi dư sau khi sáp nhập xem cần có chính sách đặc thù gì hay không.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói, hiện nay theo báo cáo của Chính phủ thì mọi thứ ổn cả, nhưng tới đây đoàn giám sát sẽ đánh giá kỹ hơn khi đi thực tế tại một số tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Duy Thăng cho biết, việc sắp xếp các đơn vị hành chính đồng thời với tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy, đưa công an chính quy về xã nên đã gây nên sức ép giải quyết cán bộ dôi dư rất lớn.

Nhấn mạnh kết quả nói trên mới chỉ là bước đầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc sắp xếp ĐVHC căn cứ chính dựa vào tiêu chí diện tích và dân số, nhưng đó chỉ là điều kiện cần còn điều kiện đủ phải căn cứ vào vị trí địa lý, hoàn cảnh lịch sử, phong tục tập quán, dân tộc, tôn giáo, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và đề án cụ thể.

Sự sắp xếp phải đảm bảo sự đồng thuận của nhân dân, mục tiêu cuối cùng là tinh gọn bộ máy nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm kinh phí nên giám sát phải toát lên tinh thần đó, phải đánh giá tác động nhiều chiều, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Tin liên quan
Tin khác