Mặt trời lặn đằng sau Tượng Nữ thần Tự do ở New York, Mỹ, tháng 5/2020. Ảnh: AFP KEY FACTS |
Hãng thông tấn AFP đưa tin nghiên cứu mô hình này đã kết hợp dữ liệu về lượng khí thải trong quá khứ và những cam kết về cắt giảm khí thải được đưa ra trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 của 5 quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu - Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Nga - để đưa ra dự đoán về sự ấm lên theo khu vực vào năm 2030.
Kết quả các nhà nghiên cứu phát hiện 92% trong số 165 quốc gia được khảo sát sẽ phải trải qua một năm có nhiệt độ cực cao cứ hai năm một lần. Nền nhiệt độ nguy hiểm này từng xảy ra theo chu kỳ 100 năm một lần vào thời tiền công nghiệp.
Ông Alexander Nauels tại tổ chức Climate Analytics, đồng tác giả nghiên cứu trên, nhận xét rằng kết quả này rất đáng báo động. “Nó thực sự cho thấy sự cấp bách và cách chúng ta đang hướng tới một thế giới nóng hơn rất nhiều”, ông nói.
Để đánh giá quy mô “đóng góp” của năm quốc gia phát thải lớn nhất thế giới vào dự đoán này, các tác giả đã thử tính toán liệu tình hình sẽ như thế nào nếu không có lượng phát thải của họ kể từ năm 1991, khi Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) lần đầu tiên cảnh báo các chính phủ về vấn đề biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Họ phát hiện ra rằng tỷ lệ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi nắng nóng cực đoạn sẽ giảm xuống còn khoảng 46%. Trong đó, vùng nhiệt đới châu Phi phải chịu tác động lớn nhất về tần suất xảy ra những năm cực kỳ nóng. Còn vùng chịu sự thay đổi về nhiệt mạnh nhất chính là các khu vực vĩ độ cao hơn ở phía Bắc, nơi đang ấm lên với tốc độ nhanh hơn các vùng nhiệt đới.
Nhóm tác giả nhấn mạnh rằng bản dự báo về tần suất xảy ra hiện tượng nóng cực đoan sẽ thay đổi nếu các nước đẩy mạnh nỗ lực cắt giảm khí thải.
Theo Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (UNFCCC), các kế hoạch kiểm soát hiện nay sẽ dẫn đến mức gia tăng khí thải 13,7% vào năm 2030, trong khi con số này cần giảm 1/2 để duy trì ngưỡng ấm lên 1,5 độ C của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.