Lake Mead - một trong những hồ lớn nhất ở Mỹ - đang có mức nước thấp kỷ lục. Ảnh: AFP |
Thiệt hại vì nắng hạn
Nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt đang ảnh hưởng nặng nề đến 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới, gồm Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, khiến người lao động và doanh nghiệp càng thêm chật vật trong lúc tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng chậm lại, còn áp lực lạm phát ngày càng tăng.
Tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), tất cả các nhà máy đã được lệnh đóng cửa trong 6 ngày để tiết kiệm điện. Ở Đức, những con tàu chở than và hóa chất đang dò đường "cõng" hàng dọc sông Rhine trong lúc mức nước xuống thấp. Còn tại Mỹ, người dân sống ở Bờ Tây được khuyến cáo sử dụng ít điện hơn khi nhiệt độ tăng cao.
Mức độ thiệt hại kinh tế sẽ phụ thuộc vào thời gian các đợt nắng nóng và thiếu mưa kéo dài. Tại các quốc gia như Đức, các chuyên gia cảnh báo rằng có rất ít khả năng cứu trợ và các công ty đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Không riêng sông Rhine, trên khắp thế giới, các con sông đóng vai trò vận tải huyết mạch, hỗ trợ cho tăng trưởng toàn cầu, như sông Dương Tử, Danube và Colorado, đều đang trong tình trạng cạn nước, cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, gây rối loạn hệ thống tưới tiêu và đẩy các nhà máy điện và các nhà máy sản xuất vào cảnh "khó sống".
Nắng nóng gay gắt cũng đang cản trở mạng lưới giao thông, gây áp lực lên cung ứng điện và ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động.
Ông Bob Ward, Giám đốc chính sách và truyền thông tại Viện Nghiên cứu Grantham về Biến đổi Khí hậu và Môi trường, Trường Kinh tế London, cho biết: "Chúng tôi không quá ngạc nhiên trước những đợt nắng nóng. Chúng chính xác như những gì chúng tôi đã dự đoán và là một phần của xu hướng trở nên: thường xuyên hơn, dữ dội hơn, trên toàn thế giới".
Hiện Trung Quốc phải đối mặt với đợt nắng nóng gay gắt nhất trong vòng 6 thập kỷ, với nhiệt độ lên tới 40 độ C (tương đương 109 độ F) ở hàng chục thành phố. Khắc nghiệt hơn, các khu vực của California có thể chứng kiến nhiệt độ lên tới 109 độ F trong tuần này. Ngay đầu mùa hè, nhiệt độ ở Vương quốc Anh lần đầu tiên tới ngưỡng 40 độ C.
Nền kinh tế toàn cầu vốn đã chịu nhiều áp lực kể từ khi đại dịch xuất hiện vào đầu năm 2020. Châu Âu đang có nguy cơ suy thoái cao khi giá năng lượng tăng vọt sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và phương Tây tiến hành hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow.
Lạm phát leo thang và các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tác động xấu đến tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đang phải vật lộn khắc phục hậu quả của các đợt phỏng tỏa nghiêm ngặt chống dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng bất động sản.
Đài CNN dẫn nhận định trong tuần này của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường rằng: "Hiện tại, chúng ta đang trong lúc khó khăn nhất để ổn định kinh tế".
Nhiều hệ lụy theo sau
Thời tiết khắc nghiệt có thể làm trầm trọng thêm những khó khăn hiện nay của chuỗi cung ứng, một trong những lý do chính lạm phát khó "hạ nhiệt", theo ông Ben May, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Oxford Economics.
Tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) - nơi các nhà máy phải ngừng sản xuất trong tuần này vì thiếu điện - là trung tâm đầu não của các công ty xuất chất bán dẫn và pin mặt trời. Việc điều tiết năng lượng và yêu cầu ngừng sản xuất sẽ ảnh hưởng đến các nhà máy của một số tập đoàn điện tử lớn nhất thế giới, trong đó có Intel và Foxconn - nhà cung ứng của Apple.
Tứ Xuyên cũng là trung tâm khai thác lithium của Trung Quốc. Việc ngừng hoạt động vì thiếu điện có thể đẩy giá lithium - thành phần quan trọng trong ắc quy ô tô điện - tăng vọt.
Tương tự, thành phố lân cận là Trùng Khánh, nằm ở ngã ba sông Dương Tử và Gia Lăng, cũng yêu cầu các nhà máy tạm ngừng hoạt động trong một tuần đến hết ngày 24/8 tới để tiết kiệm điện, theo tờ The Paper.
Nhiều dự báo về tăng kinh tế Trung Quốc trong năm nay đều đã điều chỉnh giảm. Đơn cử, các nhà phân tích tại Tập đoàn tài chính Nomura vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc xuống còn 2,8% - thấp hơn mục tiêu 5,5% mà chính phủ nước này đề ra, còn Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 3%.
Tại Đức, sông Rhine dường như đang bị thu hẹp do mực nước giảm xuống dưới mức tới hạn, cản trở hoạt động của tàu thuyền. Đây là tuyến đường thủy huyết mạch để vận chuyển hóa chất, ngũ cốc, kể cả những hàng hóa cấp thiết khác như than, trong bối cảnh Berlin ra sức dự trữ năng lượng cho mùa đông năm nay. Trong khi đó, việc tìm kiếm các hình thức vận chuyển thay thế là rất khó vì thiếu lao động.
"Hiện chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi các nhà máy ngành hóa chất hoặc thép đóng cửa, các chuyến hàng dầu mỏ và vật liệu xây dựng không đến được nơi cần đến hoặc việc vận chuyển khối lượng lớn và hạng nặng không thể thực hiện được", ông Holger Lösch, Phó chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Đức, lo ngại.
Còn ông Carsten Brzeski, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô của Tập đoàn dịch vụ tài chính ING, lưu ý rằng, vào năm 2018, mực nước sông Rhine xuống thấp đã kéo giảm khoảng 0,3 điểm phần trăm sản lượng kinh tế Đức. Chuyên gia này ước tính lần này, mực nước xuống thấp có thể làm giảm GDP ít nhất 0,5 điểm phần trăm trong nửa cuối năm nay.
Ở miền Tây nước Mỹ, một đợt hạn hán bất thường đang làm cạn kiệt các hồ chứa lớn nhất, buộc chính phủ liên bang phải thực hiện các biện pháp cắt nước bắt buộc, khiến nông dân Mỹ chịu cảnh mùa màng mất trắng.
Gần 3/4 nông dân Mỹ cho rằng, hạn hán năm nay đang ảnh hưởng đến việc thu hoạch của họ, gây thiệt hại đáng kể về thu nhập và cây trồng, theo một khảo sát của American Farm Bureau Federation - một nhóm vận động hành lang đại diện cho lợi ích nông nghiệp.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 8/6 đến ngày 20/7/2022 tại các vùng hạn hán khắc nghiệt ở 15 tiểu bang của Mỹ, từ Texas, Bắc Dakota đến California. Những khu vực này đóng góp gần một nửa giá trị sản xuất nông nghiệp của Mỹ. Riêng tại California - tiểu bang canh tác nhiều cây ăn quả và cây lấy hạt, 50% nông dân ở đây cho biết họ phải chặt bỏ cây cối và cây trồng nhiều năm do hạn hán, điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu trong tương lai.