Thời sự
Năng suất lao động phải là cơ sở cho tăng lương
Trần Hà - 24/09/2017 22:31
Cơ sở để tăng lương chỉ có thể là tăng năng suất lao động.
TIN LIÊN QUAN

Tốc độ tăng lương vượt tốc độ tăng năng suất lao động  

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) khẳng định: “Nếu tăng lương tối thiểu dựa trên nhu cầu sống tối thiểu, thì tiêu chí xác định nhu cầu sống tối thiểu rất không minh bạch vì không thể biết người lao động cần gì”.

TS. Thành còn cho rằng, lương tối thiểu tăng liên tục gây khó khăn cho doanh nghiệp và hệ quả là, đối với những doanh nghiệp không thể đáp ứng, giải pháp duy nhất của họ là sa thải lao động. Đây là hiện tượng xảy ra tại khá nhiều doanh nghiệp FDI. Như vậy, kỳ vọng của người làm chính sách khi lấy việc tăng lương tối thiểu làm công cụ để bảo vệ đời sống người lao động đã không trở thành hiện thực.

Với mức đề xuất tăng lương tối thiểu 6,5%, doanh nghiệp thâm dụng lao động sẽ tăng chi phí khoảng 1,2 - 1,5%

Trước khẳng định này, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho rằng, tới thời điểm 1/1/2018, khi quy định lương và các khoản phụ cấp khác trở thành cơ sở đóng bảo hiểm xã hội, với công cụ kiểm soát là sự liên thông giữa cơ quan BHXH và cơ quan thuế, doanh nghiệp sẽ không thể có 2 bảng lương. Đến thời điểm đó, việc tăng lương sẽ “vô can” trong câu chuyện sa thải lao động.

Mặt khác, trong nghiên cứu “Tăng trưởng tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” do VEPR phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện mới đây cho thấy, trong giai đoạn 2004 - 2015, năng suất lao động của Việt Nam tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%, nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân của lương lại đạt mức 5,8%. Kết quả là, từ thời điểm năm 2009, bắt đầu xuất hiện hiện tượng “tốc độ tăng lương trung bình vượt tốc độ tăng năng suất lao động”.

“Chúng ta cần rất thận trọng khi sử dụng công cụ tăng lương tối thiểu, vì nếu xét về kỳ vọng bảo vệ người lao động thì công cụ này chỉ có thể bảo vệ lao động chính thức, còn khu vực phi chính thức chiếm tới 50% sẽ không được bảo vệ.

Bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội):
ILO có Công ước 131 về lương tối thiểu, do đó, tôi không thể trả lời câu hỏi lương tối thiểu tại Việt Nam khi nào không còn áp dụng. Tính toán cho thấy, năm 2018, với mức đề xuất tăng lương tối thiểu 6,5%, doanh nghiệp thâm dụng lao động sẽ tăng chi phí khoảng 1,2 - 1,5%, doanh nghiệp khác tăng ở mức 0,5 - 0,6%.

Trong khi đó, GS. Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản lại nhận định, trong khi chính sách thu hút đầu tư doanh nghiệp FDI khá mờ nhạt thì Việt Nam càng cần cho ra đời cơ quan theo dõi, đánh giá tác động của lương tối thiểu.

Hiến kế để tăng năng suất lao động

Ông Ohno đặt câu hỏi: “Tại sao Việt Nam không coi tăng năng suất lao động là chìa khóa cho tăng trưởng bền vững”? Theo ông Ohno, Việt Nam cần đặt rõ mục tiêu tăng năng suất lao động, có cơ chế đo lường mục tiêu đó. 

Trong hội thảo “Tiền lương và năng suất lao động” tổ chức mới đây tại Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển  cho rằng, nếu tăng lương lên 20%, thì người lao động vẫn chưa đủ sống. Do đó, ông Tuyển đề xuất quan điểm, thay vì chỉ nhằm tăng lương tối thiểu, nên nghiên cứu cơ chế thỏa ước giữa người lao động và bên sử dụng lao động. Ông Tuyển đề nghị, Việt Nam cần nghiên cứu về tác động của tăng lương lên năng suất lao động để có khuyến nghị đúng.

Đồng quan điểm này, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế khẳng định, bức tranh chung của lao động Việt Nam là năng suất lao động và hiệu quả sử dụng vốn thấp, do đó, nút thắt không phải chỉ là vấn đề tiền lương. Thậm chí bà Chi Lan còn cho rằng, cách tăng lương tối thiểu như thời gian qua đôi khi lại kìm hãm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và do đó kìm hãm năng suất lao động.

Tin liên quan
Tin khác