Ông David B. Shear, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. |
Quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ được đánh giá đã có những bước tiến dài trong hơn 25 năm qua. Hai bên từng bước hàn gắn để phát triển thành quan hệ đối tác toàn diện. Ông có kỳ vọng vào việc hai nước sớm nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược?
Việt Nam và Mỹ thực sự có mối quan hệ song phương rất bền chặt. Việt Nam quan trọng đối với Mỹ và khu vực. Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng gần 3% vào năm 2020, ngay giữa cuộc khủng hoảng Covid-19. Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đã đạt gần 80 tỷ USD vào năm 2020 và hiện có khoảng 26.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ. Chúng ta có mối quan hệ thân thiết bền chặt và thậm chí tôi còn có họ hàng người Việt Nam.
Với tư cách là một nhà ngoại giao, tôi nhận thấy rằng, Việt Nam và Mỹ chia sẻ những lợi ích chung mạnh mẽ trong toàn khu vực. Đó là lý do vì sao bà Kamala Harris, Phó tổng thống đương nhiệm đầu tiên đến thăm Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tôi mong muốn hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vì điều này sẽ phản ánh tốt hơn sức mạnh của mối quan hệ hai bên, cũng như lợi ích chung mạnh mẽ của hai nước ở khu vực.
Mỹ tiếp tục thúc đẩy tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Theo quan sát của ông, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ ưu tiên hợp tác những lĩnh vực nào với Việt Nam để gia tăng sức ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực mang tính chiến lược như Đông Nam Á, đồng thời thúc đẩy hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở?
Tôi nghĩ rằng, sức khỏe cộng đồng sẽ là một chủ đề quan trọng trong chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Kamala Harris. Cả hai quốc gia đang chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 gia tăng đột biến và Mỹ muốn làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ những người bạn Việt Nam.
Thế giới đánh giá rất tích cực nỗ lực chống Covid-19 của Việt Nam. Người Mỹ nhận thức được tình hình số ca nhiễm Covid-19 gia tăng đột biến gần đây ở Việt Nam và tôi hy vọng Phó tổng thống Kamala Harris sẽ thảo luận về cách thức hai bên có thể hợp tác chặt chẽ hơn, bao gồm cả việc thành lập mới một trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.
Về vấn đề này, tôi hiểu rằng, Phó tổng thống Kamala Harris sẽ công bố thành lập văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Việt Nam. Sự hợp tác của hai bên trong lĩnh vực y tế cộng đồng luôn rất bền chặt và điều này sẽ củng cố thêm mối quan hệ chặt chẽ trong lĩnh vực y tế, không chỉ giới hạn ở hợp tác chống dịch.
Rõ ràng, sức khỏe cộng đồng đã trở thành một yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nhưng tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia cũng là những yếu tố đóng vai trò “chìa khóa”. Từ lâu, Mỹ đã khuyến khích tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua các mối quan hệ thương mại, đầu tư mạnh mẽ và thông qua sự hỗ trợ đối với cải cách kinh tế. Tất nhiên, từ việc nhận ra những lợi ích an ninh chung, hai bên cũng còn nhiều nội dung cần bàn về các vấn đề an ninh khu vực và Biển Đông.
Hai nước đều chịu sự gián đoạn trong các chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ông nghĩ gì về khả năng Mỹ sẽ có những hỗ trợ giúp tháo gỡ khó khăn của các chuỗi cung ứng và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Việt Nam?
Như tôi đã đề cập về mối quan tâm của chúng ta trong việc cùng nhau chống Covid-19, tôi hy vọng rằng, tăng cường an ninh chuỗi cung ứng sẽ được đưa vào chương trình nghị sự chuyến thăm của Phó tổng thống Kamala Harris, bao gồm vấn đề nguồn cung các linh kiện điện tử.
Việt Nam là căn cứ của một trong những cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới của Tập đoàn Intel, là một mắt xích chính trong chuỗi cung ứng và tôi chắc chắn rằng, Phó tổng thống Kamala Harris sẽ muốn thảo luận về vấn đề này.