Phú Yên có bờ biển dài gần 200 km, với nhiều bãi biển, danh thắng độc đáo. |
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Với đường bờ biển dài gần 200 km, có nhiều dải núi kéo dài ra phía biển tạo thành các eo vũng, vịnh, đầm độc đáo về cảnh quan, khí hậu lý tưởng, sở hữu nhiều di tích, danh thắng về biển đảo rất độc đáo…, Phú Yên được đánh giá là có rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển du lịch.
Nhắc đến du lịch Phú Yên là nhắc đến những thắng cảnh “có một không hai” như gành Đá Đĩa, Bãi Môn - Mũi Điện, Bãi Xép, vịnh Vũng Rô, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, đầm Cù Mông, cao nguyên Vân Hòa, bãi Bàng, bãi Bàu, bãi Nồm, bãi Thùng, bãi Từ Nham, cù lao Mái Nhà, cù lao Ông Xá, Nhất Tự Sơn, hòn Yến, hòn Chùa, hòn Nưa...
Nhiều du khách đến với Phú Yên nhận xét rằng, Phú Yên mang trong mình những nét hình hài xưa cũ, thân thuộc với mỗi người dân Việt Nam mà ít địa phương còn lưu giữ được hiện nay. Đó là hình ảnh của những đồng lúa chín, những ngôi nhà mái ngói rêu phong cổ kính, những bức tường hằn in màu thời gian giữa phố thị, những làng quê mộc mạc yên bình, những cánh rừng hoang sơ nằm sát hai bên Quốc lộ 1A…
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết, ngành du lịch Phú Yên mới phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nếu năm 2010, tổng thu từ khách du lịch của tỉnh đạt 250 tỷ đồng, thì đến năm 2019 (trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát), con số này là 1.940 tỷ đồng, tăng 7,76 lần. Tuy vậy, năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khách du lịch đến Phú Yên sụt giảm mạnh (chỉ thu hút được 884.000 lượt khách, giảm 51,6% so với năm 2019). Đến năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt 3,2 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 4,9 nghìn tỷ đồng.
“Hiện nay, so với các tỉnh lân cận, lượng khách du lịch đến Phú Yên còn khiêm tốn, chỉ ở mức 3,2 triệu lượt, so với 4,8 - 8,7 triệu lượt khách/năm của các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa và TP. Đà Nẵng. Do vậy, du lịch Phú Yên cần một tầm nhìn mới để bứt phá và nâng tầm”, bà Phạm Thị Hồng Thái nhấn mạnh.
Về phần mình, tại Chương trình giao lưu trực tuyến năm 2023 với chủ đề “Phú Yên kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên cho rằng, tiềm năng du lịch của tỉnh Phú Yên rất tốt, nhưng việc phát huy giá trị chưa được như mong muốn. “Các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, du khách đến check-in là chính. Do vậy, Phú Yên cần tính toán nhằm quy hoạch lại ngành du lịch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch và nâng cao hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến du lịch”, ông Tiến nói.
Tăng cường thu hút đầu tư, nâng tầm du lịch Phú Yên
Tại Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, du lịch - dịch vụ được xem là một trong 3 “trụ cột” phát triển của tỉnh Phú Yên.
Trong đó, du lịch Phú Yên được định hướng sẽ phát triển với hệ thống hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, đa dạng sản phẩm du lịch; giàu bản sắc văn hóa; từng bước hình thành các trung tâm du lịch lớn, đáp ứng tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế; phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Quy hoạch này cũng xác định mục tiêu đến năm 2030, Phú Yên sẽ thu hút 7 triệu lượt khách, trong đó có 600.000 lượt khách quốc tế. Ngày lưu trú bình quân đạt 3,5-4 ngày/lượt khách; có khoảng 800 cơ sở lưu trú du lịch với 20.800 buồng, trong đó có khoảng 30 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 3-5 sao; tổng thu từ khách du lịch khoảng 21.300 tỷ đồng; chi tiêu bình quân khách du lịch là 2,5 triệu đồng/lượt khách với khách nội địa và 250-300 USD/lượt khách với khách quốc tế.
Ông Đào Mỹ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, nhằm hiện thực hoá các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, tỉnh Phú Yên sẽ ưu tiên tập trung phát triển các loại hình du lịch trọng điểm như du lịch biển, đảo: nghỉ dưỡng biển đảo kết hợp với khám phá cảnh quan tự nhiên, giải trí và du lịch thám hiểm, thể thao; du lịch MICE gắn với tổ chức các sự kiện văn hóa, hội nghị quốc tế lớn, kết hợp du lịch mua sắm; phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp sinh thái rừng - thác - hồ - biển - đảo; phát triển du lịch văn hóa; phát triển du lịch cộng đồng; phát triển các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tập trung xúc tiến, thu hút đầu tư để phát triển các khu du lịch mang thương hiệu địa phương vốn đã được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều, như Khu du lịch gành Đá Đĩa; Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài; Khu du lịch nghỉ dưỡng biển Từ Nham; Khu danh thắng Bãi Môn - Mũi Điện; Khu di tích lịch sử Vũng Rô - du lịch sinh thái Hòn Nưa; Khu du lịch sinh thái đầm Ô Loan; Khu du lịch sinh thái đảo Nhất Tự Sơn; Khu danh thắng Quần thể Hòn Yến - bãi Phú Thường; Khu du lịch sinh thái núi Đá Bia; Khu công viên văn hóa Núi Nhạn...
“Tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các khu chức năng dịch vụ tổng hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao, trong đó dự kiến thu hút khoảng 2 - 3 sân golf. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, thu hút đầu tư các dự án tôn tạo danh lam, thắng cảnh phục vụ phát triển du lịch”, ông Mỹ cho biết.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Tạ Anh Tuấn, việc Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua sẽ tạo thêm không gian, dư địa để du lịch Phú Yên phát triển, đồng thời các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng tìm được cơ hội của mình ở vùng đất “hoa vàng trên cỏ xanh”.
“Đến với Phú Yên, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai, với phương châm thành công của nhà đầu tư, của doanh nghiệp chính là thành công của Phú Yên”, ông Tuấn nhấn mạnh.