Cho đến thời điểm này, hoạt động quản trị công ty tại Việt Nam đã có nền tảng pháp luật vững chắc. |
Báo cáo Đánh giá quản trị công ty ở Việt Nam năm 2019 công bố tại Lễ trao giải Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2019 do Sở Giao dịch chúng khoán TP.HCM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Báo Đầu tư phối hợp tổ chức mới đây đã nói lên thực tế này.
Theo Báo cáo, năm 2019, điểm công bố thông tin được cải thiện từ mức đáp ứng 64,5% các tiêu chí về công bố thông tin năm trước, lên mức đáp ứng 69,4% các tiêu chí công bố trong năm nay. Điểm tiến bộ so với năm 2018 là việc thực thi vai trò trách nhiệm của Hội đồng Quản trị (HĐQT).
Cụ thể, doanh nghiệp niêm yết đã đáp ứng 49,7% các tiêu chí về vai trò trách nhiệm HĐQT trong năm 2019, cao hơn so với mức 46,4% trong năm 2018. Các điểm cải thiện cụ thể ở lĩnh vực này gồm tính đa dạng của HĐQT, đa dạng về trình độ, kinh nghiệm của HĐQT, cân đối về giới.
Doanh nghiệp niêm yết cũng đáp ứng 40% các tiêu chí về vai trò trách nhiệm đối với các bên liên quan, cao hơn mức 36,2% trong năm trước. Nhóm doanh nghiệp có vốn hóa lớn đáp ứng tiêu chuẩn quản trị công ty cao hơn nhiều, đặc biệt trong tuẩn thủ thông lệ tốt. Tỷ lệ đáp ứng các yêu cầu tuân thủ của doanh nghiệp lớn là 73,1%, doanh nghiệp quy mô trùng bình là 10,7% và doanh nghiệp nhỏ là 66,1%.
Số liệu trên cho thấy, bước tiến trong quản trị công ty thực sự còn thấp so với yêu cầu phát triển và cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, các công ty chủ yếu mới đáp ứng ở mức tuân thủ pháp luật. Ngay cả tỷ lệ nhóm doanh nghiệp lớn dẫn đầu đáp ứng thông lệ quản trị công ty tốt mới ở mức 48,7% (chưa quá bán).
Tại thời điểm này, mong muốn thay đổi mạnh mẽ hơn, thực chất hơn về chất lượng quản trị công ty phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp, chủ tịch cùng các thành viên HĐQT.
Có thể tạm chấp nhận rằng, việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản trị công ty trong điều kiện yêu cầu về quản trị trong hệ thống pháp luật Việt Nam ở một mặt bằng thấp hơn so với thế giới là phù hợp với trình độ phát triển chung của công động doanh nghiệp. Song với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp niêm yết thì phạm vi, mức độ cạnh tranh là toàn cầu. Ngay cả những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ở thị trường nội địa thì áp lực canh tranh cũng là toàn cầu, bởi không ngành hàng, không sản phẩm nào không vấp phải sự cạnh tranh từ hàng ngoại nhập hay từ nhà sản xuất nước ngoài. Vì thế, chỉ có quản trị công ty theo thông lệ tốt của thế giới mới có thể giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững, giảm rủi ro, tăng niềm tin với nhà đầu tư.
Trên thực tế, tăng cường quản trị công ty theo thông lệ tốt đồng nghĩa với việc giảm, xóa bỏ cơ hội trục lợi cá nhân của không ít lãnh đạo, của cổ đông lớn nắm quyền điều hành doanh nghiệp. Lựa chọn lợi ích cá nhân hay lợi ích của cả doanh nghiệp, của cổ đông là câu chuyện khá phổ biến ở doanh nghiệp niêm yết trong quá trình thay đổi nhận thức về quản trị công ty tốt thông qua các thành hành động cụ thể. Hiện tại, nhiều lãnh đạo công ty vẫn chưa nhận thức đầy đù về vai trò của thực hành quản trị công ty tốt theo thông lệ.
Cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy, công ty có điểm quản trị cao thường là các công ty có tỷ số giá cổ phiếu/giá trị sổ sách cao hơn các công ty có điểm quản trị công ty thấp. Lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp thuộc nhóm quản trị tốt cũng cao hơn lợi nhuận bình quân của nhóm công ty có quản trị kém.
Cho đến thời điểm này, hoạt động quản trị công ty tại Việt Nam đã có nền tảng pháp luật vững chắc. Mặc dù vậy, việc làm thế nào để đưa các quy định và nguyên tắc quản trị công ty tốt vào thực tiễn được xem là thách thức lớn nhất hiện nay. Một trong những rào cản dễ nhận thấy nhất là thiếu vắng những nhà đầu tư hành động... Phổ biến hơn là việc cổ đông thiểu số chứng kiến hành vi vi phạm quyền lợi của cổ đông lớn, hành vi trục lợi ảnh hưởng xấu đến lợi ích doanh nghiệp, nhưng không thể phản ứng vì thiếu công cụ hỗ trợ. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư, tổ chức đành chấp nhận thoái vốn rồi cho qua.
Để hạn chế hành vi tiêu cực, nâng chất quản trị công ty, ngoài nỗ lực của các cơ quan quản lý, thị trường đang trông chờ sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư tổ chức, các ngân hàng cho vay, các hiệp hội, các tổ chức tư vấn hỗ trợ... nhằm bảo vệ giá trị cổ đông, giá trị công ty, giá trị cộng đồng trước hành vi trục lợi cá nhân. Ngoài ra, bằng nhiều biện pháp khác nhau, cần tuyên truyền để các thành viên HĐQT nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của quản trị công ty, qua đó đề cao quyền lợi dài hạn của công ty, xem đó là lợi ích dài hạn của chính mình.