Nghị quyết về việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức được Quốc hội thông qua ngày 9/4/2016. Ngay lập tức, động thái này đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. “Đây là một động thái tích cực, sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư và khách du lịch từ Hoa Kỳ”, bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Điều hành BowerGroupAsia Inc., bình luận.
Nhiều năm kinh nghiệm làm tư vấn đầu tư, bà Hà cho biết, một trong những rào cản lớn đối với sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam chính là thị thực. Rào cản này càng lớn hơn kể từ khi Luật Xuất nhập cảnh Việt Nam có hiệu lực, quy định công dân Hoa Kỳ chỉ được cấp thị thực 3 tháng và không được gia hạn thời gian lưu trú.
. |
“Quy định như vậy khiến nhà đầu tư phải bay đi bay lại và phải mất khá nhiều thời gian mới có thể có được thị thực nhập cảnh vào Việt Nam. Các doanh nghiệp đang trong giai đoạn xúc tiến đầu tư sẽ cảm thấy không hài lòng với quy định này”, bà Hà cho biết.
Trong khi đó, ông Sesto Vecchi, đại diện Công ty Luật Russin Vecchi đã không giấu giếm niềm vui khi cho rằng, đây là một “tín hiệu có giá trị” với các doanh nhân Hoa Kỳ. “Như vậy là Việt Nam đã sẵn sàng xóa bỏ rào cản hành chính đối với công dân Hoa Kỳ và đây cũng là biểu hiện rõ nét cho quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai quốc gia. Việc nâng thời hạn thị thực cho công dân Hoa Kỳ lên 1 năm sẽ thúc đẩy thu hút khách du lịch, cũng như dòng đầu tư từ Hoa Kỳ”, ông Sesto Vecchi nói.
Tương tự, ông Tạ Đình Đức, Giám đốc Kinh doanh Intel Security cho rằng, chính sách này là một “tin tốt” cho nhà đầu tư Hoa Kỳ, bởi họ sẽ có được nhiều điều kiện thuận lợi hơn khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Trên thực tế, đây cũng chính là những kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội khi ấn nút thông qua Công hàm. Tuần trước, khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Công hàm và nêu rõ, những năm gần đây, phía Hoa Kỳ đã nhiều lần nêu vấn đề về chính sách thị thực của Việt Nam gây khó khăn cho việc xin thị thực nhập cảnh Việt Nam của công dân Hoa Kỳ, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cho rằng, việc nâng thời hạn cấp thị thực cho công dân dân Hoa Kỳ là phù hợp với thực tế và có lợi cho công dân Việt Nam, đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư với Hoa Kỳ.
Hiện tại, trong số 11 nước đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ, chỉ duy nhất Việt Nam cấp thị thực ngắn hạn 3 tháng cho công dân Hoa Kỳ. Các nước khác đều miễn thị thực theo thỏa thuận song phương theo chương trình Visa Waiver Program (VWP), hoặc miễn đơn phương cho công dân Hoa Kỳ với thời gian lưu trú 90 hoặc 180 ngày.
Do đó, phía Hoa Kỳ cho rằng, chính sách cấp thị thực với thời hạn 3 tháng như của Việt Nam hiện nay dành cho Hoa Kỳ không tương xứng với chính sách của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam và không tương xứng với quan hệ hai nước.
Bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) tại các Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) gần đây, đặc biệt là sau khi Luật Xuất nhập cảnh Việt Nam được thông qua vào năm 2014 cũng đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này.
Theo bà Sherry Boger, việc Việt Nam chỉ cấp thị thực cho công dân Hoa Kỳ trong thời hạn 3 tháng, nhập cảnh một lần là một “bước lùi” đáng kể. “Điều này gây ra những trở ngại đáng kể cho hoạt động kinh doanh và du lịch giải trí hai chiều”, bà Sherry Boger nói và cho biết, kể từ đầu năm 2015 đến nay (thời điểm Luật Xuất nhập cảnh Việt Nam có hiệu lực), bà và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ đã luôn chờ đợi Chính phủ Việt Nam cho phép công dân Hoa Kỳ được cấp thị thực 1 năm, nhập cảnh nhiều lần.
Nay thì mọi kỳ vọng sắp trở thành hiện thực. Quốc hội đã thông qua. Phần việc còn lại là Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải hoàn tất thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn và tổ chức thực hiện sau khi Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ có hiệu lực.
Hiện Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Năm 2015, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 33,48 tỷ USD. Trong khi đó, về đầu tư, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đầu tư sang Việt Nam trên 11 tỷ USD, đứng trong top 10 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Tuy đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam hiện chưa được như kỳ vọng, song nhiều bình luận cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ, trong đó, TPP là cú hích vô cùng quan trọng.
“Tôi tin vào các tuyên bố từ phía Hoa Kỳ, rằng họ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1”, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói và cho rằng, dựa trên các động thái gần đây về việc Intel, Micsosoft dịch chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam, việc Harvard, Fulbright xây dựng các trường đại học tại Việt Nam, hay Apple muốn nhảy vào, rồi việc đích thân các vị lãnh đạo đất nước đi “xúc tiến đầu tư” tại Hoa Kỳ và cả chuyện Việt Nam đã nâng thời hạn cấp thị thực cho công dân Hoa Kỳ lên 1 năm thì chuyện Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam sẽ sớm trở thành hiện thực.