Ngân hàng
Nâng tín dụng học sinh, sinh viên lên 4 triệu đồng/tháng
Mạnh Bôn - 13/07/2021 08:16
Mức cho vay vốn tối đa 4 triệu đồng/tháng sẽ không cố định mà được điều chỉnh để phù hợp với lộ trình tăng học phí, khả năng huy động vốn của Ngân hàng Chính sách-xã hội.
Tín dụng học sinh, sinh viên đã hỗ trợ hàng triệu con em gia đình nghèo được tiếp tục con đường học tập

Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ nâng mức cho vay vốn tối đa đối với học sinh, sinh viên từ 2,5 triệu đồng lên 4 triệu đồng/tháng đồng thời mở rộng đối tượng được vay vốn.

Mức cho vay hiện hành chỉ đáp ứng 37% tổng chi phí

Theo số liệu của Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP), sau hơn 14 năm thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên, đã có tổng cộng 3,6 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn với doanh số 66.011 tỷ đồng; ngân hàng đã thu nợ và lãi được 55.674 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng học sinh, sinh viên tính đến đầu năm 2021 là 10.469 tỷ đồng, với 341.072 hộ gia đình (372.966 học sinh, sinh viên) còn dư nợ, trong đó nợ quá hạn chỉ có 105 tỷ đồng, tương đương 1%.

Cũng theo số liệu của VBSP, trong giai đoạn 2016-2020, doanh số cho vay tín dụng học sinh, sinh viên đạt 10.179 tỷ đồng, đã thu hồi vốn và lãi 24.098 tỷ đồng, tổng dư nợ chỉ còn 10.469 tỷ đồng, giảm gần 14.000 tỷ đồng (giảm 61%) so với năm 2015. Cũng trong giai đoạn này, VBSP đã khoanh nợ 15,366 tỷ đồng và xóa nợ 67,775 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm có từ 10-15% học sinh, sinh viên nhập trường có nhu cầu vay vốn; hàng năm có 68% số sinh viên có việc làm sau khi ra trường, với mức thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/tháng. Chương trình đã hỗ trợ học sinh, sinh viên trong việc trang trải chi phí học tập, có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, tạo được sự đồng thuận cao của cộng đồng xã hội; tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong đảm bảo, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tỷ lệ học sinh, sinh viên vay vốn tín dụng còn thấp so với nhu cầu do chỉ cho con em hộ nghèo (theo chuẩn cũ) được vay vốn và số tiền được vay mặc dù đã nâng từ mức 800.000 đồng/tháng, lên 1,5 triệu đồng/tháng và kể từ 1/12/2019 lên 2,5 triệu đồng/tháng cũng không bảo đảm trang trải học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chi phí tối thiểu của học sinh, sinh viên.

Cụ thể, năm 2007, với mức cho vay tối đa 800.000 đồng/tháng vẫn đáp ứng được khoảng 66% tổng chi phí học tập. Năm 2019, mức cho vay được nâng lên 2,5 triệu đồng/tháng nhưng chỉ đáp ứng khoảng 60% chi phí học tập. Còn hiện tại, mức cho vay 2,5 triệu đồng/tháng chỉ đáp ứng được 37% tổng chi phí học tập do lạm phát và tăng học phí của cơ sở giáo dục, đào tạo công lập theo Nghị định 86/2015.

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2015 theo hướng tăng học phí đối với hệ thống giáo dục công lập so với hiện hành. Theo đó, từ năm học 2022 - 2023, mức học phí tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân 12,5%/năm đối với đơn vị chưa đảm bảo chi phí chi thường xuyên  (loại 1). Đối với cơ sở bảo đảm chi thường xuyên và đạt kiểm định chất lượng được thu tối đa bằng 2 - 2,5 lần so với mức thu của cơ sở loại 1. Cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, đáp ứng yêu cầu Luật Giáo dục được tự xác định học phí. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị nâng mức cho vay tối đa lên 4,55 - 6,65 triệu đồng/tháng. Thậm chí, ngay cả với mức cho vay này cũng chỉ đáp ứng 60% mức sinh hoạt của người đi học.

Sẽ có 600.000 học sinh, sinh viên được vay vốn

Tuy nhiên, do cân đối ngân sách nhà nước gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, nên Bộ Tài chính chỉ đề xuất nâng mức cho vay tín dụng học sinh, sinh viên tối đa lên 4 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng kiến nghị mở rộng đối tượng cho vay, bên cạnh học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; con em hộ hộ nghèo, hộ gia đình có mức thu nhập bình quân bằng 150% mức thu nhập của hộ nghèo; con em của gia đình gặp khó khăn về tài chính (do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh) thì con em gia đình hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 cũng sẽ được vay vốn với mức vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, để khuyến khích người vay trả nợ trước hạn, Bộ Tài chính cũng nghiên cứu mở rộng đối tượng được giảm 50% lãi suất phải trả, ngoài con em hộ nghèo; học sinh, sinh viên mồ côi thì con em hộ gia đình khó khăn tạm thời về tài chính trả nợ trước hạn cũng được giảm 50% lãi suất.

Tuy nhiên, mức cho vay vốn tối đa 4 triệu đồng/tháng sẽ không cố định mà theo Bộ Tài chính cần được điều chỉnh để phù hợp với lộ trình tăng học phí, khả năng huy động vốn của VBSP, khả năng cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của ngân sách nhà nước.

“Trước mắt, mức cho vay 4 triệu đồng/tháng đã đáp ứng 61% mức chi phí học tập tối thiểu và 42% mức chi phí học tập tối đa của người đi học”, Bộ Tài chính nhận định.

Bộ Tài chính tính toán, việc mở rộng đối tượng được vay và nâng mức tối đa cho vay lên 4 triệu đồng/tháng, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ có khoảng 600.000 học sinh, sinh viên được  vay vốn với doanh số cho vay vào khoảng 15.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay vào thời điểm cuối giai đoạn đạt 13.020 tỷ đồng, tăng 2.500 tỷ đồng so với (tăng 24%) so với thời điểm 31/12/2020.

Tin liên quan
Tin khác