Thưa ông, năm 2015, hoạt động cốt lõi của NCB tăng trưởng khá tốt, vậy tăng trưởng lợi nhuận của Ngân hàng ra sao?
Tính đến ngày 31/12/2015, NCB có quy mô tổng tài sản vượt mức 48.000 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2014 và vượt 7% kế hoạch năm 2015. Huy động và cho vay của Ngân hàng đều tăng trưởng khả quan.
Cụ thể, tổng huy động, tài trợ, ủy thác và phát hành giấy tờ có giá tăng 34%, hoàn thành 108% kế hoạch. Tổng dư nợ cho vay khách hàng; tiền gửi và cho vay tổ chức tín dụng khác hoàn thành 111% so với kế hoạch và tăng 14% so với năm trước. Doanh thu từ phí dịch vụ và bảo lãnh tăng 129% so với năm 2014. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 111 tỷ đồng, tăng 88% so với năm 2014. Đến ngày 31/12/2015, tỷ lệ nợ xấu của NCB được kiểm soát ở mức 2,15%.
Ông Đào Trọng Khanh, Tổng giám đốc NCB |
Chúng tôi chú trọng phát triển bền vững, lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản, tăng cường quản trị rủi ro, song song với đầu tư cải thiện và nâng cấp từng bước hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, tiếp tục đồng bộ hóa và mở rộng các kênh bán… để có thể phục vụ khách hàng tốt nhất.
Điều quan trọng nhất là hình ảnh của NCB ngày càng được thị trường đánh giá tích cực, thể hiện qua các giải thưởng mà NCB đã đạt được trong năm 2015, như Ngân hàng bán lẻ sáng tạo nhất Việt Nam, Ngân hàng có văn hóa doanh nghiệp sáng tạo nhất do Tạp chí Global Banking & Finance Review (Anh) trao tặng và Giải thưởng Thương hiệu mạnh 2015 do Cục Xúc tiến thương mại và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức bình chọn.
Nhiều năm gần đây, NCB tập trung vào sản phẩm mũi nhọn là cho vay mua nhà, mua xe. Tuy nhiên, năm qua, NCB lại tập trung vào hướng đi khác biệt: trở thành nhà tư vấn chuyên nghiệp. Ông có thể nói rõ hơn về định hướng này của NCB?
Cho vay mua nhà và xe vẫn là những sản phẩm chiến lược của NCB. Tuy nhiên, từ năm 2016, chúng tôi quyết tâm tạo sự khác biệt cho NCB bằng chất lượng sản phẩm dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng bằng các sản phẩm đóng gói theo phân khúc khách hàng, cạnh tranh bằng tốc độ, sự linh hoạt và thái độ phục vụ khách hàng chuyên nghiệp, thân thiện.
Dịch vụ chăm sóc khách hàng đặc biệt được nâng cao, các chuyên viên được đào tạo sâu về nghiệp vụ, là những nhà tư vấn linh hoạt, sáng tạo, để đưa ra các giải pháp tài chính phù hợp nhất với nhu cầu và khả năng của khách hàng.
Với việc trở thành nhà tư vấn chuyên nghiệp, “may đo” giải pháp tài chính phù hợp với từng khách hàng là cách mà nhiều ngân hàng lớn trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi ngân hàng phải có sản phẩm đa dạng, chuyên môn hóa cao. NCB có gặp khó khăn gì trong thực hiện hướng đi này không?
Thực tế thời gian qua, khách hàng lựa chọn NCB không hẳn vì lãi suất, mà vì “thương” và “tin” đội ngũ bán hàng tận tình, luôn đồng hành với khách hàng, đưa ra những giải pháp tư vấn tốt nhất cho khách hàng.
Song song với việc đào tạo chuyên môn và kỹ năng tiếp xúc khách hàng, NCB cũng xây dựng hệ thống sản phẩm chuyên sâu cho từng lĩnh vực, như bất động sản, nhà, xe, xây lắp, chế biến gỗ… mang đặc thù từng vùng, miền mà NCB có chi nhánh.
Có thể nói, NCB đang từng bước theo lộ trình, chiếm được sự tin tưởng và trở thành người bạn thân thiết của khách hàng, bằng sự chân thành và chuyên môn sâu theo cách tự nhiên nhất, không quá khó khăn.
Thời gian tới, giữa khối khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, NCB sẽ tập trung vào nhóm khách hàng nào, phân khúc thị trường nào?
Với khách hàng cá nhân, NCB tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm huy động và tín dụng, gia tăng hiệu quả các sản phẩm cho vay chiến lược nhà và xe, xây dựng các sản phẩm phù hợp với từng phân khúc khách hàng, tiềm năng từng địa bàn kinh doanh và quản lý tốt danh mục khách hàng. Chúng tôi cũng tiếp tục tập trung số hóa dịch vụ thông qua triển khai mới và nâng cấp sản phẩm dịch vụ digital banking với trọng tâm là tăng trưởng thẻ ghi nợ, thẻ quốc tế, Internet Banking, Mobile Banking, giao dịch tại quầy.
Trong lĩnh vực phát triển khách hàng doanh nghiệp, NCB chú trọng chăm sóc khách hàng hiện hữu, mở rộng khai thác khách hàng mới, tăng cường bán chéo, xây dựng sản phẩm, dịch vụ đóng gói, hoàn thiện chính sách chăm sóc khách hàng.
Sau 3 năm tái cơ cấu, tuy vẫn là ngân hàng nhỏ, song NCB đã có nền tảng tài chính lành mạnh. Với nền tảng này, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng như thế nào trong năm 2016 và những năm tới?
Năm 2016, NCB đặt kế hoạch đạt 171 tỷ đồng lợi nhuận. Tổng tài sản đạt 61.000 tỷ đồng; huy động vốn, tài trợ, ủy thác và phát hành giấy tờ có giá tăng 26%; tổng dư nợ và tiền gửi cho vay các tổ chức khác tăng 37% so với năm 2015; kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 3%.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 của NCB được chia theo 2 nhóm: Tối ưu để hiệu quả và Đột phá để khác biệt. NCB kiên trì đi theo định hướng chiến lược trở thành nhà tư vấn tài chính thân thiện, song hành cùng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, cung cấp các sản phẩm phù hợp nhu cầu và khả năng riêng của từng khách hàng.