Liên tục trong những ngày gần đây, nhiều trang báo đồng loạt đăng tải những vụ việc người dân gặp phải “trái đắng” khi vay tiền qua các app cho vay online không rõ nguồn gốc, đang nở rộ tràn lan trên mạng như “Vayvay”, “Samsetvay”, “I Dong”, “V Dong”…
Như trường hợp của chị Phạm Thị Tuyết Mai (24 tuổi, ngụ Tiền Giang). Saukhi vay online qua các ứng dụng, số tiền vay ban đầu đã bị đội lên nhiều lần. Chị cho biết mắc lừa do tin lời quảng cáo của các ứng dụng này như “lãi suất vay thấp, thậm chí 0%”. Tuy nhiên khi đăng ký vay hoàn thành, khách hàng như chị Mai sẽ phải chịu nhiều loại phílên tới 40-50% số tiền vay, và không nhận được đủ số tiền vay gốc.
Cứ đến gần ngày trả nợ, những người tự nhận là nhân viên của các ứng dụng này liên tục gọi điện khủng bố chị Mai, có ngày chị nhận được cả trăm cuộc điện thoại.Chưa dừng lại ở đó, hình ảnh của chị, thậm chí là người thân của chị, cũng bị sử dụng để cắt ghép rồi đăng lên mạng xã hội với những lời lẽ thô tục, sỉ nhục, bôi nhọ.
Không chỉ khủng bố trực tiếp người vay, những người tự nhận là nhân viên của các ứng dụng này còn gọi điện, nhắn tin vào những số điện thoại trong danh bạ là bạn bè, người thân của chị Mai để chửi rủa, mắng nhiếc thậm tệ. Lãi mẹ đẻ lãi con, đến nay gia đình chị Mai đã phải trả cho các ứng dụng số tiền khoảng 200 triệu đồng, thế nhưng chị vẫn còn nợ các ứng dụng vay với số tiền gần 100 triệu đồng nữa.
Cách các công ty cho vay online biến tướng đòi nợ người vay |
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD - Bộ Công Thương) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2019, ngành hàng bị khiếu nại nhiều nhất trong 8 tháng qua phải nói đến là “Tài chính, bảo hiểm, ngân hàng” (chiếm 40,37%).
Đây là lần đầu tiên nhóm hàng “Tài chính, bảo hiểm, ngân hàng” có tỷ lệ khiếu nại lớn hơn nhiều lần so với các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại. Chủ thể liên quan trong nhóm hàng này bao gồm không chỉ các ngân hàng, công ty tài chính mà trong đó đã bắt đầu xuất hiện sự liên quan của nhiều mô hình cho vay trực tuyến.
“Các mô hình này hiện đang có sự phát triển mở rộng và gia tăng nhanh chóng cả về số lượng khách hàng và giá trị giải ngân, do vậy, kéo theo xu hướng gia tăng khiếu nại trong nhóm dịch vụ này”, Cục CT&BVNTD chỉ rõ.
Nhận định về vấn đề này, ông Trần Việt Vĩnh, CEO Công ty Cổ phần Đổi mới Công nghệ Tài chính Fiin (Fiin), một doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kết nối cho vay ngang hàng (P2P Lending) cho biết, trong hơn 1 năm nay, khi cơ quan quản lý nhà nước ra quân quyết liệt “quét sạch” các dịch vụ “cho vay nặng lãi, tín dụng đen truyền thống”; cùng làn sóng những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang đón đầu xu hướng chuyển đổi số các dịch vụ tài chính trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu để đưa ra những mô hình hỗ trợ cung cấp dịch vụ tài chính mới mang lại hiệu quả cho xã hội như cho vay ngang hàng, thì đã xuất hiện rất nhiều cá nhân/tổ chức lợi dụng môi trường Internet để hoạt động Cho vay nặng lãi hoặc Tín dụng đen trá hình.
Và trong đó, đã có dấu hiệu cho thấy các công ty Trung Quốc và một số nước cũng tràn vào để hớt váng trong bối cảnh thị trường cho vay online tại Việt Nam bắt đầu phát triển trong 2 năm nay. Tìm kiếm trên kho tải ứng dụng, với hơn 100 app cho vay có thể thấy tới hơn nửa là các ứng dụng có sự liên quan của công ty Trung Quốc", ông Vĩnh cho biết.
"Họ cũng tạo ứng dụng (app)/website cho vay online, quảng cáo sai lệch là P2P Lending nhưng thực chất họ tự cung tiền ra cho vay. Kèm theo đó là thủ tục quá dễ dàng nhưng lãi phí cao bất thường, người dùng không kiểm soát được và cái kết là cách thu nợ không khác gì xã hội đen."
Theo diễn biến như vậy, nếu người dùng không có lựa chọn cẩn thận thì rất dễ trúng cạm bẫy của tín dụng đen đội lốt ứng dụng cho vay trực tuyến. Điều này không chỉ gây ra nhiều hệ luỵ phiền toái tiêu cực cho khách hàng, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của những doanh nghiệp fintech chân chính và xa hơn còn có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới thị trường chung.
Bởi lẽ, những vụ việc này sẽ dần khiến cho xã hội có ác cảm, mất niềm tin với dịch vụ tài chính online; và cơ quan quản lý nhà nước lại nhìn ở góc với quá nhiều hệ luỵ tiêu cực như vậy thì có thể sẽ cấm kinh doanh/hoạt động chung của cả thị trường (như mô hình của dịch vụ đòi nợ thuê đang bị đề xuất cấm kinh doanh).
"Nếu như thế, sẽ là thiệt hại to lớn cho những công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như Fiin, đang nỗ lực hàng ngày phát triển công nghệ để mang lại giá trị tích cực cho người dùng và xã hội; đồng thời, Việt nam chúng ta có thể sẽ mất đi cơ hội bắt nhịp trong công cuộc chuyển đổi số ngành dịch vụ tài chính mà cả thế giới đang chuyển động mạnh mẽ” chia sẻ của ông Trần Việt Vĩnh CEO Fiin.
Fiin được vinh danh là 1 trong số 10 “Thương hiệu nổi tiếng hàng đầu 2019”. |
CEO Trần Việt Vĩnh của Fiin tư vấn thêm: “Người dùng nên tìm tới website chính thức của đơn vị cung cấp dịch vụ, kiểm tra có phải công ty đăng ký kinh doanh đúng pháp luật Việt Nam hay không? Tìm hiểu các hoạt động, thông tin của công ty có được công bố công khai trên website và rộng khắp trên các phương tiện truyền thông chính thống như Báo điện tử Uy tín hay Đài truyền hình không? Các quy định Lãi Phí có rõ ràng trước khi vay? Chính sách bảo mật thông tin, quyền riêng tư của người dùng như nào? Với các thông tin cơ bản này, nếu người dùng tìm hiểu sẽ tránh được những tình huống như trên”.