Những nhà đồng sáng lập không chỉ giữ vai trò đối tác kinh doanh, mà còn có thể coi nhau như tri kỷ, cùng chia ngọt sẻ bùi trên hành trình khởi nghiệp nhiều chông gai.
Như bất cứ mối quan hệ nào, các nhà đồng sáng lập có thể cùng nhau đi đến cuối con đường, nhưng cũng có thể phải chia tay sớm trên hành trình khởi nghiệp. Với nhà sáng lập chính - người đứng đầu start-up, đây là lúc cần thực hiện những bước đi phù hợp để ổn định tinh thần các nhân sự còn lại và hạn chế tối đa tác động tiêu cực đối với tổ chức.
Thứ nhất, cần tìm hiểu lý do nhà đồng sáng lập muốn rời đi. Thực tế, việc đồng sáng lập muốn rời start-up có thể xuất phát từ lý do cá nhân, như theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp khác; muốn tìm kiếm công việc ổn định hơn, hoặc cần tiếp tục con đường học tập…
Trong một số trường hợp, sự rời đi xuất phát từ việc đội nhóm lãnh đạo không tìm được tiếng nói chung về định hướng phát triển start-up, hoặc nhà đồng sáng lập cảm thấy họ không còn phù hợp với start-up. Lúc này, nhà sáng lập chính nên quyết định chấm dứt mối quan hệ hơn là cố gắng thuyết phục đồng sáng lập ở lại.
Thứ hai, xử lý vấn đề phát sinh trong quá trình đồng sáng lập rút lui. Sau khi xác định được mọi chuyện, việc đầu tiên người đứng đầu start-up cần làm là thông báo tình hình với những người đồng sáng lập còn lại cũng như các bên liên quan, bao gồm cả nhà đầu tư.
Thông báo một sự kiện có tính chất quan trọng như vậy với nhà đầu tư sẽ giúp gia tăng lòng tin của họ vào start-up, thậm chí, start-up có thể nhận được sự giúp đỡ từ nhà đầu tư nếu việc rời đi của đồng sáng lập có vướng mắc về pháp lý, hoặc được hỗ trợ tìm kiếm người thay thế nếu cần.
Lưu ý, nếu người đồng sáng lập không phải thành viên trong hội đồng quản trị (HĐQT), việc chấm dứt hợp đồng có thể thực hiện bất cứ lúc nào, nhưng nếu người đó là một thành viên HĐQT, cả HĐQT cần bỏ phiếu về việc này.
Một vấn đề lớn cần quan tâm là cách xử lý vốn chủ sở hữu của người đồng sáng lập. Dù rời đi, họ vẫn có quyền giữ, hoặc bán số cổ phần của mình. Như vậy, hai bên cần ngồi lại với nhau để trao đổi rõ ràng về khả năng thu hồi số cổ phần của người đồng sáng lập, cũng như mức giá phù hợp nếu nhà sáng lập muốn thực hiện quyền mua lại.
Thứ ba, giải quyết “tàn dư” sau khi người đồng sáng lập đã rút lui khỏi tổ chức. Khi một người đồng sáng lập không còn gắn bó cùng start-up, ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới đội ngũ lãnh đạo cũng như không khí trong công ty. Nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh lý do của sự kiện này. Thay vì giấu hoặc lảng tránh, người đứng đầu start-up nên thẳng thắn thông báo với toàn thể công ty về sự ra đi của người đồng sáng lập, đồng thời thảo luận cởi mở về những thay đổi hay hướng phát triển của start-up trong thời gian tới.
Việc tuyển dụng một nhân sự thay thế cũng nên được tính toán cẩn thận, vì các vị trí quản lý cấp cao thường tốn nhiều thời gian để tìm ra cá nhân phù hợp. Chưa kể, nhà sáng lập cũng nên tính toán trên nhiều yếu tố như số lượng đồng sáng lập còn lại, hay start-up có thật sự cần thêm người trong giai đoạn tới không...
Tóm lại, việc đồng sáng lập rút lui là một tổn thất với bất kỳ start-up nào, nhưng không có nghĩa hành trình phát triển của cả start-up sẽ dừng lại. Vấn đề quan trọng là, người đứng đầu cần chấm dứt mối quan hệ giữa hai bên một cách công bằng, minh bạch, tránh những sai lầm và các rủi ro pháp lý tiềm ẩn trong tương lai.