Thời sự
Nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu
Mạnh Bôn - 25/06/2013 07:06
Về cơ bản, TS. Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đồng tình với Dự thảo Luật Đấu thầu được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5, khóa XIII vừa qua. Song theo ông, cần phải mở rộng phạm vi điều chỉnh, để tránh tạo ra kẽ hở gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham ô trong mua sắm tài sản công cũng như tài sản của doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN

Theo ông, Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi đã đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước?

TS. Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên thường trực Ủy ban
Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Trước hết, tôi bày tỏ sự tán thành cao với việc sửa đổi Luật Đấu thầu để giải quyết những hạn chế, bất cập, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ và vốn, tài sản nhà nước tại các cơ quan, đơn vị cũng như doanh nghiệp nhà nước.

Với việc điều chỉnh các hình thức đấu thầu, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, tôi cho rằng, về cơ bản, Dự thảo Luật Đấu thầu đáp ứng xu thế phát triển của xã hội cũng như sự phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Nhưng theo nhiều đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật Đấu thầu chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Thậm chí, có không ít ý kiến cho rằng, tên gọi của luật cũng cần phải thay đổi?

Đúng là có một số ý kiến đề nghị đổi tên luật thành Luật Mua sắm công hay Luật Đầu tư công, mua sắm công. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, để tên là Luật Đấu thầu là phù hợp, bởi tên gọi này không chỉ đã quen thuộc, mà còn phản ánh đúng bản chất của vấn đề là điều chỉnh mọi hoạt động liên quan đến đấu thầu các công trình, dự án sử dụng tiền, tài sản có nguồn gốc ngân sách.

Còn nếu lấy 1 trong 2 tên mà một số đại biểu Quốc hội đề xuất, thì phạm vi điều chỉnh lại quá rộng. Hoạt động đầu tư công và mua sắm công phải xây dựng luật khác để điều chỉnh. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tế, cần phải mở rộng phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu.

Ngoài phạm vi điều chỉnh trong Dự thảo Luật Đấu thầu, theo ông, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với những đối tượng nào, thưa ông?

Dự thảo Luật Đấu thầu quy định 4 nhóm thuộc phạm vi điều chỉnh, như lựa chọn nhà thầu tham gia dự án đầu tư phát triển sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên hoặc sử dụng vốn nhà nước từ 500 tỷ đồng trở lên; mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước nói chung; mua sắm của doanh nghiệp nhà nước (trừ trường hợp mua nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư, dịch vụ để đảm bảo tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp)... Nếu chỉ giới hạn phạm vi điều chỉnh như vậy, thì chưa tạo ra một khung pháp lý để điều chỉnh mọi hoạt động đấu thầu đối với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là với công ty đại chúng.

Số lượng công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán ngày càng nhiều, nếu không có một luật để điều chỉnh hành vi đầu tư xây dựng và mua sắm đối với công ty đại chúng, thì sẽ không có điều kiện để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Vì vậy, tôi đề nghị, phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu không chỉ bó hẹp đối với hoạt động mua sắm, đầu tư đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan nhà nước, mà còn phải áp dụng đối với cả tổ chức, doanh nghiệp khác, đặc biệt là công ty đại chúng, công ty niêm yết.

Nếu mở rộng phạm vi áp dụng đối với cả công ty niêm yết, công ty đại chúng mà loại trừ hoạt động mua nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư, dịch vụ… như áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, thì việc mở rộng phạm vi cũng không có nhiều ý nghĩa, thưa ông?

Tôi không tán thành với việc loại trừ đấu thầu đối với việc mua nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư, dịch vụ để đảm bảo tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp nhà nước như trong Dự thảo Luật Đấu thầu.

Trong giai đoạn đầu mới thành lập, chi phí cố định, chi phí đầu tư của doanh nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng chi phí. Nhưng theo thời gian, khấu hao đầu tư ban đầu sẽ hết hoặc còn rất ít, thì chi phí của doanh nghiệp chủ yếu là chi phí mua nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư, dịch vụ để đảm bảo tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Do vậy, theo tôi, nếu loại trừ hoạt động mua sắm này ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thì vô hình trung, chúng ta tạo kẽ hở dẫn tới thất thoát, lãng phí, thậm chí là tham ô, tiêu cực trong mua sắm mua nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư, dịch vụ qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là hình thức gửi giá, chuyển giá gây thất thu cho ngân sách nhà nước và làm giảm hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác