Đầu tư
Nền tảng tốt cho tăng trưởng quý II và các quý tiếp theo
Mạnh Bôn - 01/04/2021 14:30
Nhờ quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép”, kinh tế quý I/2021 đã đạt được mức tăng trưởng tích cực, tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng trong quý II và các quý tiếp theo.

Đó là nhận định của ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê).

Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê).

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, quý I/2021, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 4,48%. Kết quả này có được nhờ những động lực chủ yếu nào, thưa ông?

Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay chỉ đạt 4,48%, mức thấp nhất kể từ năm 2011 nếu không tính năm 2020 (tăng 3,68%), nhưng có thể nói, đây là mức tăng trưởng tích cực khi đặt trong bối cảnh Covid-19 tái bùng phát ngay trước dịp Tết Nguyên đán, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế trong nước.

Nếu quý I/2020, Covid-19 chỉ tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh trong nửa cuối tháng 3, thì năm nay, dịch bệnh tác động tiêu cực trong cả 3 tháng đầu năm. Dù vậy, GDP vẫn tăng cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này đạt được nhờ việc quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép” đã được Chính phủ đề ra từ quý II/2020. Nhờ đó, công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực lớn nhất của nền kinh tế tăng 9,45% so với cùng kỳ năm 2020.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng tốc, đặc biệt là đầu tư vào công nghiệp điện tử (các dự án ở Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh...) là một trong những động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 3 tháng đầu năm.

Cùng với đó, sự ổn định của ngành nông nghiệp với mức tăng trưởng 3,19%; tăng trưởng khá của hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với mức tăng 7,35%; hoạt động thương mại tăng 6,45%; xây dựng tăng 5,17%... cũng góp phần đáng kể vào kết quả chung.

Đặc biệt, không thể không kể đến sự đóng góp của xuất - nhập khẩu. Quý I/2021, giá trị xuất khẩu tăng 22%, nhập khẩu tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2020; cán cân thương mại xuất siêu 2,03 tỷ USD.

Nhưng tốc độ tăng trưởng 4,48% của quý I vẫn thấp hơn khá nhiều so với con số 5,12% theo kịch bản tăng trưởng đặt ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Kịch bản được xây dựng sẽ không cố định, mà tùy thuộc vào tình hình thực tế có thể thay đổi để phù hợp và trong nhiều trường hợp, có thể có đến 2 - 3 kịch bản khác nhau.

Kịch bản quý I/2021 tăng trưởng 5,12% đặt ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP được xây dựng từ tháng 12/2020 với điều kiện đặt ra là thế giới về cơ bản kiểm soát và đẩy lùi được đại dịch Covid-19.

Đầu năm 2021, dù nhiều nước đã sản xuất được vắc-xin Covid-19, nhưng dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan và liên tục biến đổi thành các biến thể mới, nên trong Phiên họp thường kỳ tháng 1/2021, trên cơ sở phân tích, đánh giá, nhận định của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ kịch bản mới với tăng trưởng quý I/2021 đạt 4,46%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP đạt được khá sát với kịch bản đã được tính toán.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 2/2021, Covid-19 đã có diễn biến mới, sản xuất, kinh doanh, thương mại, đầu tư, du lịch… toàn cầu có sự thay đổi, chúng tôi cũng đã bám sát diễn biến thực tế trên thế giới và trong nước để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịch bản mới. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2021 sẽ là 6,5%.

Theo tính toán, để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,5% trong cả năm 2021, thì quý II phải tăng trưởng 7,11% - con số khá cao. Ông đánh giá thế nào về khả năng hoàn thành mục tiêu này?

Tăng trưởng kinh tế trong quý I/2021 là minh chứng cho khả năng thích nghi, chống chọi với cú sốc kinh tế do đại dịch của Việt Nam. Các ngành kinh tế trọng điểm đã dần lấy lại đà tăng trưởng trong quý I/2021, tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng quý II và các quý tiếp theo.

Kết quả của quý I cũng đã cho thấy một số tín hiệu hy vọng của nền kinh tế trong thời gian tới. Đó là Việt Nam đã bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin Covid-19; các ca dịch lây lan ngoài cộng đồng đang được kiểm soát; các ngành kinh tế quan trọng đang có dấu hiệu phục hồi khá mạnh.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng trên 24%, đạt tới 152,65 tỷ USD và tiếp tục đà xuất siêu là hy vọng cho nền kinh tế Việt Nam tìm được lối ra cho sản xuất trong nước. Tiêu dùng trong nước tuy vẫn còn yếu, nhưng khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2020 với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ theo giá hiện hành tăng trên 5%.

Như vậy, quý II chỉ cần duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được, thì kịch bản tăng trưởng 7,11% trong quý II và 5,92% trong 6 tháng đầu năm sẽ xảy ra.

Tôi cho rằng, nhiều khả năng GDP quý II có thể tăng trưởng cao hơn nữa. Thứ nhất, vì quý I đã tăng trưởng 4,48%, cao hơn so với kịch bản được xây dựng vào đầu tháng 2 (tăng 4,46%). Thứ hai, nền để so sánh là quý II và 6 tháng đầu năm 2020 rất thấp (tương ứng tăng 0,36% và tăng 1,81%).

Để đạt được mục tiêu nói trên, theo ông, cần những giải pháp gì?

Theo tôi, để đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong quý II cũng như các quý tiếp theo và cả năm đạt tăng trưởng 6,5%, ngoài việc tiếp tục duy trì trạng thái kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, thúc đẩy việc đưa vắc-xin Covid-19 tới mọi người dân, cần chú trọng khai thác các tiềm năng để phát triển kinh tế.

Cụ thể, phải tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp; tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông sản, thủy hải sản chủ lực.

Đồng thời, phải tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để đẩy mạnh hoạt động xuất - nhập khẩu; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19; thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công…

Tin liên quan
Tin khác