TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia |
Tính đến hết tháng 5/2024, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,41% so với đầu năm, trong khi mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra là nửa đầu năm nay, tín dụng tăng 5-6%. Điều này có đáng lo không, thưa ông?
Theo tôi, tín dụng tăng ở mức độ trên là phù hợp với nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Dù tín dụng chỉ tăng 2,41% so với đầu năm, song so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 5/2023), thì tăng 12,3%, nên không hề thấp, thậm chí cao nhất khu vực.
Ngoài ra, tín dụng cũng đang phục hồi rõ rệt, tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Nếu tính 2 tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng 0,02%, thì hiện đã tăng 2,41%, dự báo đến cuối tháng 6/2024 tăng 4-4,5%. Nhiều khả năng, tín dụng cả năm sẽ tăng 13-14%. Đây là mức tăng phù hợp.
Tất nhiên, bên cạnh thúc đẩy tín dụng tăng trưởng lành mạnh, cần có giải pháp đẩy mạnh kênh trái phiếu doanh nghiệp. Đây là kênh dẫn vốn trung, dài hạn, đặc biệt quan trọng với nền kinh tế, nhất là với thị trường bất động sản.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm đến nay đã ấm lên, song tốc độ hồi phục còn chậm. Theo ông, phải chăng việc áp dụng đầy đủ trở lại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 65) từ đầu năm nay là sức cản của thị trường?
Số liệu 5 tháng đầu năm cho thấy, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã hồi phục tích cực.
Thứ nhất, khối ngân hàng đang phát hành tăng nhanh trở lại do nhu cầu tăng vốn cấp 2 để đáp ứng chuẩn Basel II và tiến tới Basel III.
Thứ hai, niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức, đã dần hồi phục trở lại.
Thứ ba, nhu cầu vốn của doanh nghiệp vẫn rất lớn.
Dù vậy, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động trở lại, tôi cho rằng, Chính phủ cần rà soát Nghị định 65. Nghị định này đã được quay lại áp dụng đầy đủ từ đầu năm nay, sau một thời gian giãn, hoãn. Tuy nhiên, trong bối cảnh chúng ta muốn đẩy nhanh tốc độ hồi phục của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần xem xét, rà soát lại nghị định này. Trước đó, chúng ta đã “cơi nới” một số điều kiện theo hướng cởi mở hơn liên quan đến chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp, tần suất phát hành trái phiếu, xếp hạng tín nhiệm…
Theo tôi, với quy mô thị trường hiện nay, chúng ta cần cân nhắc điều chỉnh theo lộ trình phù hợp để vừa hỗ trợ thị trường phát triển, vừa đảm bảo an toàn và lành mạnh trong thời gian tới. Nếu áp dụng ngay những tiêu chuẩn khắt khe của Nghị định 65, thì sự hồi phục của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều thách thức, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp qua kênh này sẽ còn khó khăn.
Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế đẩy mạnh phát triển trái phiếu xanh và thu hút các nhà đầu tư tổ chức đầu tư vào trái phiếu.
Cùng với tiếp cận vốn, doanh nghiệp cũng đang lo ngại về lãi suất cho vay, khi mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và thị trường dân cư tăng khá mạnh trong vài tháng qua. Theo ông, lãi suất sẽ diễn biến như thế nào trong năm nay và năm sau?
Lãi suất liên ngân hàng của Việt Nam đã tăng tương đối nhanh thời gian gần đây. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tăng từ mức 0,2%/năm hồi đầu năm, lên tới 5% hiện nay, thu hẹp khoảng cách với lãi suất USD (5,25 - 5,5%). Điều này đã làm áp lực tỷ giá của Việt Nam giảm bớt.
Lãi suất huy động trên thị trường 1 (thị trường dân cư) vài tháng gần đây cũng nhích lên. Trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư khác trở nên hấp dẫn hơn, đã có một lượng tiền gửi nhất định bị dịch chuyển, song không nhiều. Theo quan sát của chúng tôi, tiền gửi của cá nhân vào hệ thống ngân hàng vẫn rất tích cực. Riêng tiền gửi doanh nghiệp giảm nhẹ, có thể do doanh nghiệp đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh. Đây là điều tích cực.
Thời gian tới, tôi cho rằng, lãi suất tiền gửi trên thị trường sẽ đi ngang hoặc có thể tăng nhẹ ở một số thời điểm khi cầu vốn tăng cao. Tuy nhiên, ngành ngân hàng sẽ cố gắng ổn định lãi suất cho vay. Tinh thần của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước là ổn định, phấn đấu giảm thêm lãi suất thông qua giảm chi phí, ứng dụng số hóa… Nhưng rõ ràng, NIM ngân hàng (chênh lệch lãi suất cho vay/huy động) sẽ giảm. Năm ngoái, NIM ngân hàng đã giảm từ 3,6% xuống 3,2% và năm nay có thể sẽ chỉ khoảng 3%.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhiều giải pháp để can thiệp thị trường vàng, song dường như cơn khát vàng của người dân vẫn chưa dừng lại. Theo ông, cần ứng xử như thế nào với thị trường vàng?
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang đi đúng hướng trong bình ổn thị trường vàng, song cần các giải pháp quyết liệt, rốt ráo hơn nữa. Theo tôi, các giải pháp hiện nay vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần tăng cung hợp lý cho thị trường vàng, cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập khẩu vàng. Theo tính toán của Hội đồng Vàng thế giới, cầu vàng của Việt Nam mỗi năm khoảng 50 tấn, tức nếu nhập khẩu sẽ mất khoảng 3 tỷ USD - con số không phải quá ghê gớm. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng nên bỏ độc quyền xuất nhập khẩu vàng và độc quyền sản xuất vàng, đồng thời sửa đổi toàn diện Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Tóm lại, với thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước nên khu trú lại để quản lý. Ngân hàng Nhà nước chỉ nên quản lý vàng miếng vì liên quan đến ngoại hối, còn vàng trang sức mỹ nghệ thì nên để thị trường tự điều tiết.