Netflix được thành lập năm 1997, có trụ sở tại California (Mỹ). |
Tố Netflix trốn 3 loại thuế…
Netflix bắt đầu có mặt ở thị trường Việt Nam từ năm 2016, cung cấp dịch vụ phim trả phí. Chỉ 3 năm sau, Netflix đã có khoảng 300.000 thuê bao và trở thành mối đe dọa cho dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam.
Các doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền cho rằng, cùng bán dịch vụ, nhưng doanh nghiệp Việt Nam phải nộp thuế và nhiều chi phí khác, còn Netflix thì không. Đây chính là sự bất bình đẳng, khiến doanh nghiệp Việt Nam mất khách hàng, doanh thu.
“Bán dịch vụ tại Việt Nam, Netflix thu tới 260.000 đồng/thuê bao/tháng, nhưng lại không nộp thuế, không chịu sự kiểm duyệt nội dung. Trong khi đó, doanh nghiệp truyền hình của Việt Nam khi nhập khẩu nội dung, mua bản quyền để phát sóng đều phải đóng thuế; khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng cũng nộp thuế và hàng năm phải nộp thuế doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuyên biên giới không nộp thuế nhà thầu, không nộp thuế nhập khẩu”, ông Trần Văn Úy, Tổng giám đốc SCTV bức xúc.
Ông Nguyễn Ngọc Lanh, Phó giám đốc VTC Digital thì cho rằng, Nhà nước đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình OTT như Netflix đang cung cấp dịch xuyên biên giới tại Việt Nam, nhưng chưa thực hiện trách nhiệm về thuế, cũng như trách nhiệm tuân thủ các quy định quản lý nội dung khác.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhận xét, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế khi kinh doanh ở Việt Nam.
Đối với vấn đề nộp thuế của Netflix, tại cuộc Hội thảo của Tổng cục Thuế mới đây, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh - truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, hàng tháng người dùng trả tiền để sử dụng kênh xem phim Netflix, thì Netflix phải đóng thuế, bởi Netflix có phát sinh doanh thu tại Việt Nam.
Cũng giống như Netflix, các dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook, Grab, Booking… kinh doanh tại thị trường Việt Nam với doanh thu và lợi nhuận hàng trăm triệu USD, nhưng lại phớt lờ, né hoặc đẩy việc đóng thuế cho các doanh nghiệp Việt Nam.
…và không kiểm soát được nội dung
Ngoài việc các dịch vụ OTT xuyên biên giới như Netflix, Iflix, Amazon, Facebook không thực hiện trách nhiệm kê khai, nộp thuế, gây bất bình đẳng với các doanh nghiệp Việt Nam, họ còn không phải chịu sự quản lý, không phải kiểm duyệt nội dung, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho quản lý nhà nước.
Ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPay) cho biết, VNPay đã nhiều lần có văn bản kiến nghị gửi đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp với quan điểm nhất quán là chưa thực hiện việc cấp phép cho các đơn vị nước ngoài khi chưa đủ các điều kiện về công tác quản lý, kiểm soát, kiểm duyệt, biên dịch, biên tập nội dung các chương trình như quy định của Luật Báo chí, nhằm đảm bảo yêu cầu an ninh, thông tin - truyền thông trên mạng Internet và tạo sự công bằng đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung trong nước.
Theo ông Cường, các doanh nghiệp truyền hình xuyên biên giới như Netflix, Iflix, Facebook có khối lượng nội dung thông tin số xuyên biên giới vào Việt Nam rất lớn, được cập nhật liên tục hàng ngày… sẽ là thách thức và khó khăn về quản lý, biên tập, biên dịch nội dung theo quy định của Luật Báo chí, Luật Điện ảnh và các quy định pháp luật khác.
“Đây sẽ là nguy cơ tiềm ẩn để các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng truyền bá thông tin sai lệch, nội dung tiêu cực, xuyên tạc. Nếu không được quản lý theo quy định của pháp luật, thì nội dung chương trình của các đơn vị nước ngoài sẽ trở thành loại hình cạnh tranh không bình đẳng với các đơn vị cung cấp nội dung chương trình trong nước”, ông Cường nói.
Ông Nguyễn Ngọc Lanh kiến nghị, Nhà nước cần phải tạo ra hành lang pháp lý bình đẳng giữa dịch vụ trong nước và ngoài nước, trong cả hai lĩnh vực nội dung số và truyền hình trả tiền. Chính sách bảo hộ ngược ảnh hưởng rất lớn tới các nhà cung cấp dịch vụ game online trong nước thời gian qua là bài học cần cân nhắc cho việc quản lý các dịch vụ truyền hình OTT.
Tại Indonesia, Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông nước này yêu cầu Netflix phải thiết lập một văn phòng đại diện tại nước này và thực hiện nghĩa vụ thuế. Được chính thức bước vào thị trường Indonesia, nhưng Netflix gần như mất hiện diện thương hiệu khi chỉ là một đơn vị cung cấp nội dung cho IndiHome, dịch vụ truyền phát phim theo yêu cầu của Telkom.
Tại thị trường Singapore, Netflix phải bắt tay với Singtel - nhà mạng lớn nhất Singapore, để đủ điều kiện kinh doanh. Đầu năm 2018, cơ quan thuế của Singapore đã lên kế hoạch áp thuế hàng hóa và dịch vụ 7% với các dịch vụ trực tuyến như Spotify, Netflix hay Amazon Prime.
Trong khi đó, tại Thái Lan, tháng 4/2017, Ủy ban Truyền hình và Truyền thông Thái Lan đã công bố kế hoạch đưa các dịch vụ OTT vào một khung quản lý dạng cấp phép, từ đó có thể đánh thuế các dịch vụ này theo cơ chế thuế của Thái Lan.