Tài chính - Chứng khoán
Nếu bán cổ phần Nhà nước ở Vinamilk để chi tiêu, không cẩn thận sẽ mất hết
Nguyên Đức - 23/10/2015 08:22
Ủng hộ phương án bán cổ phần nhà nước tại các tập đoàn lớn như Vinamilk, FPT…, song chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, phải cẩn thận không thì… mất hết.

Đánh giá cao động thái của Chính phủ về việc quyết định bán cổ phần tại 10 doanh nghiệp nhà nước lớn, trong đó có Vinamilk, FPT…, song chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, phải cẩn thận không… mất hết.

“Tôi không đồng ý việc bán cổ phần nhà nước rồi hòa vào ngân sách để chi đầu tư. Hòa kiểu này là chết, là có nguy cơ mất hết tài sản”, TS. Trần Du Lịch nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, chúng ta đã mất nhiều năm mới có được một Vinamilk như ngày hôm nay, nhưng bán vốn đi rồi hòa vào cân đối ngân sách để chi đầu tư là… hết.

“Tiền bán được phải để đầu tư có địa chỉ. Phải xác định trước tiền đó sẽ được đầu tư vào đâu, bệnh viện nào, con đường nào hay trường học nào… cụ thể”, TS. Trần Du Lịch phát biểu như vậy khi góp ý về tình hình kinh tế - xã hội ngày hôm qua.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, tiền bán cổ phần nhà nước tại các DN như Vinamilk  phải để đầu tư có địa chỉ. Phải xác định trước tiền đó sẽ được đầu tư vào đâu, bệnh viện nào, con đường nào hay trường học nào… cụ thể

Vị chuyên gia kinh tế này cũng khẳng định, quyết định của Chính phủ trong việc bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước lớn đã “đưa ra tín hiệu quan trọng thay đổi nhận thức về chức năng của Nhà nước- Nhà nước không đi làm kinh doanh mà hỗ trợ, xây dựng quốc kế dân sinh và sử dụng hiệu quả nguồn lực mà Nhà nước đang có.

“Quyết định này tạo niềm tin để thị trường thấy rằng Nhà nước làm đúng vai trò của mình và chuyện gì của thị trường thì để thị trường quyết định”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông cũng ủng hộ kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo trước Quốc hội vào ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII.

“Nếu phát hành được với lãi suất thấp, kỳ hạn dài hơn để cơ cấu lại nợ thì là cần thiết”, TS. Trần Du Lịch nói và chia sẻ rằng, ông cũng ủng hộ đề xuất phát hành khoảng 30% trái phiếu trong nước có kỳ hạn dưới 5 năm.

“Tỷ lệ 30% cũng không làm gia tăng áp lực trả nợ, do vậy tôi ủng hộ phương án này. Chỉ 30% thôi, còn nếu lớn hơn nữa thì sẽ lại quay trở lại như cũ, áp lực trả nợ lớn, không chịu nổi”, ông Lịch nhấn mạnh.

Liên quan đến đề xuất của Bộ Tài chính về việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế, cũng nhiều ý kiến trái chiều trong các đại biểu Quốc hội. Người ủng hộ cũng nhiều, song cũng nhiều quan điểm lo ngại việc phát hành trái phiếu quốc tế lớn như vậy mà không kiểm tra, giám sát được sẽ dẫn tới hệ lụy lớn.

Không hẳn là không đồng ý với đề xuất này, song Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng cần phải “cân nhắc kỹ”.

Dẫn bài học phát hành trái phiếu quốc tế mấy trăm triệu USD cho Vinashin, ông Huỳnh Ngọc Sơn nhắc đi nhắc lại việc phải “thận trọng”.

“Nếu phát hành trái phiếu thêm nữa sẽ ẩn chứa rất nhiều rủi ro và sợ rằng con cháu sẽ oán giận. Kỳ hạn 10 năm thì đời con phải trả nợ. Kỳ hạn 30 năm thì đến đời cháu”, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lo lắng.

Tin liên quan
Tin khác