Một phiên họp toàn thể của Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất. |
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tính đến phương án dư phòng, nếu dịch bệnh Covid - 19 vẫn diễn biến phức tạp trong thời gian diễn ra đợt 1 của kỳ họp thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét quyết định việc họp trực tuyến toàn bộ thời gian còn lại của kỳ họp,
Tổng thư ký Quốc hội vừa gửi văn bản triệu tập kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV đến các vị đại biểu Quốc hội, khai mạc vào ngày 20/10/2021 và dự kiến bế mạc vào ngày 13/11/2021.
Kỳ họp tiến hành theo hai đợt. Đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ nhà Quốc hội đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành (từ 20/10-3/11). Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó. Đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan trung ương tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Đợt hai họp tập trung tại nhà Quốc hội từ 8/11 đến 13/11. Và phương án dự phòng đã được tính đến, như trên.
Về dự kiến chương trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, các dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Các đoàn đại biểu Quốc hội được đề nghị có hình thức phù hợp để đại biểu tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri để báo cáo Quốc hội.
Tổng thư ký Quốc hội cũng đề nghị các vị đại biểu đề xuất vấn đề chất vấn để có cơ sở lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 2.
Liên quan đến việc chuẩn bị kỳ họp này, chiều 22/9 phát biểu bế mạc phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ họp, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng, chống dịch luôn phải được đặc biệt quan tâm, có dự lường các tình huống có thể xảy ra để đảm bảo phương án xử lý kịp thời theo tinh thần đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác lập pháp. Chủ tịch Quốc hội cho biết, có 5/6 dự án Luật được Uỷ ban Thường vụ Quốc hộ cho ý kiến tại phiên họp thứ 3 hoàn toàn đủ điều kiện để tiếp thu, hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ hai.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thống nhất bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ hai theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp. Mục đích việc này là để sớm thể chế hóa những cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.
Riêng đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy các đề xuất sửa đổi của Chính phủ mới chỉ tập trung vào sửa đổi danh mục các chỉ tiêu theo phụ lục kèm theo Luật Thống kê.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật theo hướng tiếp tục rà soát để đề xuất với Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung một số vấn đề hết sức quan trọng như cách tính, quy trình, thẩm quyền trong việc tính toán và công bố các chỉ tiêu thống kê của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhất là các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô, GRDP, bình quân đầu người và các chỉ số khác. Đồng thời, lần sửa đổi này cần bổ sung những nội dung liên quan đến việc điều chỉnh lại GDP như thời gian vừa qua làm thay đổi nội hàm và ý nghĩa của các chỉ tiêu vĩ mô. Đây là vấn đề chưa được điều chỉnh trong Luật Thống kê hiện hành, cần phải được bổ sung.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lại với dự thảo luật vào phiên họp tháng 10. Trên cơ sở chất lượng tiếp thu, hoàn thiện của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc, xem xét việc trình Quốc hội thông qua dự thảo luật này tại 1 hoặc 2 kỳ họp. Trong trường hợp Chính phủ chưa kịp hoàn thiện dự án luật thì đề nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho xin rút khỏi chương trình xây dựng, luật pháp lệnh để nghiên cứu, hoàn thiện thêm và trình vào thời điểm thích hợp.