Phải nói rõ, Công ty General Production đại diện cho nhóm 150 công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực dập đúc của Nhật Bản. Vì vậy, khoảng diện tích mặt bằng 127 ha đã được Hanssip lên kế hoạch dành cho nhóm công ty này.
Công nghiệp hỗ trợ vẫn là điểm yếu của Việt Nam (ảnh minh họa) |
Thậm chí, theo ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn N&G, việc thiết kế nhà xưởng phục vụ nhu cầu hoạt động khá đặc biệt của Tổ hợp này cũng đã được hai bên trao đổi. “Việc thiết kế xây dựng sẽ do một doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện”, ông Hoàng cho biết.
So với mục tiêu mà Hanssip đưa ra về việc thu hút những “đầu tàu” sản xuất trong các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là công nghiệp phụ trợ phục vụ công nghệ cao để từ đó kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, với vai trò là doanh nghiệp vệ tinh, để tạo nên chuỗi giá trị sản xuất – cung ứng – lắp ráp – tiêu thụ tại Hanssip theo đúng nghĩa của mô hình cluster (tập hợp theo khu vực các doanh nghiệp, nhà cung cấp và dịch vụ có mối liên kết với nhau trong các ngành liên quan), thì tổ hợp chắc chắn là mục tiêu thu hút đầu tư mà ông Hoàng không muốn bỏ lỡ.
Tuy nhiên, sự chuẩn bị về hạ tầng của phía Hanssip có lẽ chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của các doanh nghiệp trong tổ hợp trên. Điều này có nghĩa, không dễ để tổ hợp dập đúc Nhật Bản ra mắt ngay vào tháng 9/2014 - thời điểm Hanssip khánh thành và đưa vào sử dụng giai đoạn I như Tập đoàn N&G công bố. Như vậy, lời mời mà ông Nguyễn Hoàng đưa ra với các doanh nghiệp thầu phụ của Việt Nam về việc tiếp cận tổ hợp này cũng sẽ rất chông chênh.
Cũng phải nói thêm, sản phẩm của các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất dập đúc này là các loại linh phụ kiện lắp ráp cho ngành sản xuất ô tô, máy bay, máy móc nông nghiệp thế hệ mới…
“Mặc dù là sản phẩm công nghiệp phụ trợ, những công nghệ sản xuất đòi hỏi công nghệ cao, có tính chuyên sâu. Vì vậy, các doanh nghiệp này đang đề nghị được hưởng những ưu đãi về thuế, thời gian thuê đất, hỗ trợ đào tạo lao động rõ ràng và chi tiết hơn những quy định hiện hành dành cho công nghiệp hỗ trợ”, ông Hoàng nói.
Đặc biệt, ông Hoàng cho rằng, cần có ngay một gói chính sách thí điểm dành cho tổ hợp này để thu hút họ đầu tư vào Việt Nam, trước khi các chính sách liên quan đến công nghiệp hỗ trợ được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ diễn ra cuối tuần trước, đây cũng là vấn đề được các nhà đầu tư Nhật Bản nhắc lại. Ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) đã nhắc tới tỷ lệ nội địa hóa khoảng 32,2% của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vào năm ngoái, dù đã tăng được 4,3 điểm so với năm trước đó, nhưng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (64%), Thái Lan (53%), Malaysia (42%), Indonesia (41%). Trong khi đó, những kế hoạch xây dựng các khu chuyên biệt cho công nghiệp hỗ trợ Nhật Bản tại Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn đang trong giai đoạn khởi tạo.
“Điều này cho thấy các hãng chế tạo Nhật Bản phải bỏ chi phí cao đến mức nào khi chọn Việt Nam. Có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản có khả năng cạnh tranh cao mà Việt Nam có thể thu hút để đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, tôi cũng xin lưu ý, Việt Nam cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, trong đó có sự hỗ trợ sát sao của Nhà nước để thu hút các doanh nghiệp này, vì họ thường có nguồn lực quản lý hạn chế về nhân lực, tài chính…”, ông Yoshihisa Maruta nói.
Khánh An