Viễn thông - Công nghệ
Đà Nẵng lấy ý kiến chuyên gia về Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch
Linh Đan - 27/04/2024 09:17
Mục tiêu dự kiến của Đà Nẵng là đến năm 2030, đào tạo 5.000 nhân lực cho ngành vi mạch, bán dẫn. Trong đó, 4.200 kỹ sư, 750 thạc sĩ và 50 tiến sĩ.
Ông Nguyễn Bảo Anh, đồng sáng lập Cộng đồng vi mạch Việt Nam, nguyên Giám đốc cấp cao Synopsys Việt Nam đóng góp ý kiến.

Chiều 26/4, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng”.

Theo đó, tọa đàm được tổ chức nhằm mục đích tiếp cận kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức chuyên môn, lắng nghe ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, đại biểu về các nội dung trong Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng”, đảm bảo hoàn thiện Đề án một cách khoa học, có chất lượng, xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đúng trọng tâm.

Ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng cho biết, dự thảo Đề án có 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để đạt được các mục tiêu mà Đà Nẵng đề ra.

Đó là, giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn; giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng; giải pháp về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; giải pháp về sở hữu trí tuệ; giải pháp về phát triển và làm chủ công nghệ vi mạch bán dẫn; giải pháp về thu hút đầu tư; giải pháp về hỗ trợ truyền thông; giải pháp về hỗ trợ triển khai.

Trong đó, 3 giải pháp qua khảo sát của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp..., Đà Nẵng cần tập trung nguồn lực triển khai là giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn; giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo báo cáo của ông Phúc, mục tiêu dự kiến của Đà Nẵng, là đến năm 2030, đào tạo 5.000 nhân lực cho ngành vi mạch, bán dẫn. Trong đó, 4.200 kỹ sư, 750 thạc sĩ và 50 tiến sĩ.

Mục tiêu dự kiến của Đà Nẵng, là đến năm 2030, đào tạo 5.000 nhân lực cho ngành vi mạch, bán dẫn. Trong đó, 4.200 kỹ sư, 750 thạc sĩ và 50 tiến sĩ.

Ông Nguyễn Bảo Anh, đồng sáng lập Cộng đồng vi mạch Việt Nam, nguyên Giám đốc cấp cao Synopsys Việt Nam cho rằng, nhân lực chip bán dẫn và vi mạch hiện nay cần chú ý lựa chọn các sinh viên giỏi và cần có một khu vực riêng dành cho ngành này chứ không đặt chung vào một khu vực nào đó cùng với các ngành khác.

Theo ông Anh, một doanh nghiệp khi quyết định đầu tư tại Đà Nẵng về lĩnh vực này cần 3 vấn đề lớn mà Đà Nẵng hỗ trợ gồm hỗ trợ nguồn nhân lực, hỗ trợ pháp lý và hỗ trợ cơ sở hạ tầng. Đối với doanh nghiệp nước ngoài, thì họ cần các các điều kiện như miễn visa và một số điều kiện khác để có thể an tâm đầu tư. Tuy nhiên, ông Anh cũng nhìn nhận, vi mạch, bán dẫn là ngành “ngốn tiền” đầu tư, vì hiện nay mức lương phải trả cho kỹ sư ngành này không còn thấp.

PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng tin tưởng rằng, Đà Nẵng có niềm tin theo đuổi lĩnh vực này, nhưng cần làm theo lộ trình. Đồng thời, PGS.TS Phan Cao Thọ mong muốn Đà Nẵng cần tổ chức liên minh đào tạo về ngành này đối với hệ thống các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố chứ không để tình trạng mạnh ai nấy đào tạo. Cùng với đó, PGS.TS Phan Cao Thọ đề xuất, các trường cấp 3 cần đưa vào chương trình dạy học từ sớm để các học sinh có cơ hội tiếp cận và tạo nền tảng từ cấp học này.

Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã tiếp thu ý kiến các của các chuyên gia, cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố và đề nghị Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Đề án.

Dự kiến, Đề án sẽ được thành phố ban hành vào giữa năm 2024, là cơ sở quan trọng để Thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút đặc thù, thúc đẩy phát triển ngành vi mạch bán dẫn Đà Nẵng, góp phần đưa thành phố tham gia vào chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn và công nghệ tương lai toàn cầu.

Tin liên quan
Tin khác