Thời sự
Ngã Bảy - Phụng Hiệp dấu ấn tròn một thế kỷ
Huy Tự - 30/01/2015 07:40
Hôm nay, (30/1), trong niềm vui phấn khởi, đánh dấu sự kiện 100 năm hình thành vùng đất Ngã Bảy - Phụng Hiệp, 10 năm thành lập thị xã Ngã Bảy, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Ngã Bảy long trọng tổ chức Lễ đón nhận Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị xã Ngã Bảy là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Hậu Giang.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Hậu Giang nâng cao giá trị gia tăng cho nông nghiệp
Hậu Giang ghi điểm bằng sự năng động
Hậu giang rộng cửa chào đón nhà đầu tư
Sẽ điều chỉnh địa giới hành chính tại 8 địa phương
Đầu tư 30 tỷ đồng, Co.opMart có siêu thị thứ 68

Làng Phú Hữu - nơi thành lập chi bộ đầu tiên của quận Phụng Hiệp

Ngay từ đầu thập niên 30 (thế kỷ trước), phong trào cách mạng đã nhen nhóm và lớn mạnh trên vùng đất Ngã Bảy - Phụng Hiệp. Tháng 11/1937, Chi bộ làng Phú Hữu - Chi bộ đầu tiên của quận Phụng Hiệp được thành lập, tạo nên bước ngoặc mới cho phong trào cách mạng gần 80 năm qua với 10 kỳ đại hội, mỗi lần đại hội, Đảng đề ra những chủ trương sát hợp với tình hình thực tế, kiên cường lãnh đạo nhân dân viết tiếp những trang sử hào hùng.

Thời kỳ chống Pháp có trận Tầm Vu oanh liệt, của quân, dân Khu 9 đã làm vang dội cả nước, góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh du kích trên địa bàn Phụng Hiệp.

Thời kỳ chống Mỹ, Đảng bộ, quân, dân Ngã Bảy - Phụng Hiệp đã lãnh đạo lực lượng vũ trang tổ chức hơn 300 trận đánh lớn nhỏ, giải phóng nhiều đồn bót, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

Ngã Bảy hôm nay, nơi mang đậm dấu ấn của đô thị vùng sông nước. Ảnh: Huy Tự

Với những thắng lợi trong hơn 8 thập niên chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, xây dựng đất nước theo con đường XHCN, có quan hệ hợp tác quốc tế rộng rãi và có vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, xã hội công bằng, văn minh”.

Ở nơi con sông toả đi bảy ngã trải qua tròn một thế kỷ!

Cách đây tròn 100 năm, Ngã Bảy buổi đầu là một vùng đầm lầy hoang vu, nơi sinh sống của hàng trăm con voi cùng bạt ngàn lau sậy. Chính vì vậy, có người cho rằng  “Ngã Bảy xưa chính là Vương quốc của loài Voi ”.

Để mở mang phát triển kinh tế, đầu thế kỷ XX vùng đất này được khởi công đào kênh để khai hoang mở đất. Kênh đào đến đâu, cư dân về sinh sống lập nghiệp đến đó, sau hơn 10 năm thi công, đến đầu năm 1915, bảy nhánh sông được hình thành như dự kiến, chợ nổi Ngã Bảy cũng ra đời trong thời điểm này, trên con sông xuôi về bảy ngả. Vùng trung tâm bảy sông dồn nước, lập tức trở thành đầu mối giao thông thủy lớn nhất Nam Kỳ, song hành với trung tâm giao thương hàng hoá lớn của miền Nam, tác động mạnh đến thị trường nông sản của cả miền Tây.

Nền nông nghiệp hàng hoá nơi đây đã sớm bắt nhịp cùng nhu cầu giao thương, vượt khỏi quy mô làng xã của cư dân đồng bằng. Ngã Bảy là chợ tổng hợp, có thể mua sỉ, bán lẻ; phong phú đa dạng đủ loại hàng hóa mang đặc trưng sắc màu cuộc sống Nam Bộ.

Thời mở cửa, sản phẩm đồng bằng theo dòng nước lớn qua Ngã Bảy xuôi ngược khắp nơi, do có lợi thế giao thông thuận lợi, nhất là đường thủy, từ Ngã Bảy có thể ngược lên Cần thơ đi Sài Gòn, xuôi xuống Sóc Trăng đi Bạc Liêu, Cà Mau, qua Kiên Giang, chính thuận lợi đó nên cư dân các nơi tập trung về đây sinh sống ngày càng đông đúc, cùng với sự trù phú về sản vật cây ăn trái, hàng nông sản… đã hình thành một hình thức mua bán mang đậm nét sông nước là Chợ Nổi. Chợ Nổi trên sông kết hợp chợ truyền thống trên bờ đã nhanh chóng trở thành địa điểm giao thương nổi tiếng khắp Nam Kỳ Lục tỉnh, Chợ nổi Ngã Bảy vẫn còn in đậm dấu ấn giao thương miền sông nước đến tận bây giờ

Một thế kỷ đã đi qua, cùng với bao thăng trầm của lịch sử, cánh đồng lau sậy ngày nào giờ trở thành đô thị trù phú, năng động, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc do bàn tay siêng năng cần cù, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Những cư dân đầu tiên đến đây đã ra sức lao động kiên trì biến cánh đồng lau sậy thành những vườn cam trĩu quả, bến sông bên lở, bên bồi ngày nào giờ trở thành bờ kè thẳng tắp, khang trang, sạch đẹp. Những căn nhà siêu vẹo ven sông nay trở thành phố sá sầm uất, khang trang bên 7 dòng sông, mang đậm dấu ấn của đô thị vùng sông nước. 

Sau Chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975. Đảng bộ và nhân dân Ngã Bảy bước vào chặng đường xây dựng và kiến thiết quê hương, vượt qua những khó khăn thử thách, kinh tế Ngã Bảy từng bước phát triển và hội nhập, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư, đời sống nhân dân được nâng cao, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có sự đổi mới và tiến bộ, để Ngã Bảy hôm nay có diện mạo là đô thị trẻ năng động trong thời kỳ đổi mới.

Gần một thập niên chung sức vì một đô thị Ngã Bảy phồn vinh hơn 

Để tạo điều kiện Ngã Bảy phát triển và theo nguyện vọng của nhân dân, ngày 26/7/2005 Chính phủ ban hành Nghị định chia tách thành 2 đơn vị hành chính là huyện Phụng Hiệp và thị xã Tân Hiệp. Đến năm 2006, thị xã Tân Hiệp được đổi tên thành thị xã Ngã Bảy, trực thuộc tỉnh Hậu Giang

Qua gần 10 năm thành lập, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ thị xã Ngã Bảy đã thực hiện hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, sản xuất phát triển giúp cho tăng trưởng luôn ở mức cao với tốc độ bình quân hàng năm đạt 15,84%; vốn đầu tư toàn xã hội 8.322 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7,87 triệu đồng năm 2005 lên 39,79 triệu đồng năm 2014, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư hoàn chỉnh.

Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo được quan tâm; xây dựng 1.188 căn nhà tình nghĩa, tình thương với kinh phí huy động hơn 49,1 tỷ đồng; 98% hộ dân được sử dụng nước sạch, 99,3% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24% năm 2005 xuống còn 2,64% năm 2014; giải quyết việc làm cho 26.416 lao động; xây dựng mới Bệnh viện đa khoa cấp khu vực quy mô 260 giường, 6 trạm y tế, 15/25 trường đạt chuẩn quốc gia, đào tạo 303 cán bộ trình độ đại học, thạc sỹ.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Ngã Bảy lần thứ X, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ và nhân dân thị xã đã tập trung chỉ đạo, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Qua 4 năm tổ chức thực hiện, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, nhưng thị xã đã tranh thủ được sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, sự tham gia của các doanh nghiệp cùng với đóng góp của nhân dân nên đạt được kết quả nổi bật: năm 2013 xã Đại Thành được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hậu Giang; năm 2014 xã Tân Thành được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới thứ 4 của tỉnh Hậu Giang. Thị xã đang phấn đấu đến tháng 6/2015 hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới Hiệp Lợi và trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên của Hậu Giang hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đô thị loại III Ngã Bảy sẽ phát triển thành một thành phố vệ tinh năng động của Hậu Giang và Vùng ĐBSCL

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 16/11/2011 của Tỉnh ủy; Chương trình số 02/CTr-UBND ngày 7/2/2012 của UBND tỉnh về xây dựng thị xã Ngã Bảy đến năm 2015 đạt tiêu chuẩn đô thị loại III.

Trong điều kiện khó khăn do suy giảm kinh tế, cùng lúc phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, nên nguồn vốn đầu tư từ ngân sách giảm; nhiều công trình, dự án của Trung ương, tỉnh phải giãn, hoãn tiến độ, đầu tư xã hội cũng gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện.

Nhưng được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với sự tham gia tích cực của các sở, ngành, Đảng bộ đã quán triệt tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nên sau hơn 3 năm đã đạt được những kết quả quan trọng như: Tổ chức điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ngã Bảy theo tiêu chuẩn đô thị loại III. Xây dựng chương trình phát triển đô thị Ngã Bảy đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; thực hiện chỉnh trang đô thị, xây dựng hoàn thành 13 dự án, với tổng kinh phí 217 tỷ đồng, đang thực hiện 5 công trình, dự án với tổng kinh phí 646 tỷ đồng. Hoàn thành Đề án đề nghị công nhận thị xã Ngã Bảy là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Hậu Giang.

Với kết quả trên, ngày 26/12/2014 Hội đồng thẩm định Trung ương đã đánh giá, thị xã Ngã Bảy đạt 47/49 chỉ tiêu với 84,26 điểm và được Bộ Xây dựng quyết định công nhận, ít phút nữa đây Đảng bộ và nhân dân Ngã Bảy vui mừng đón nhận Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị xã Ngã Bảy là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Hậu Giang.

Ông Phạm Chí Dũng, Phó bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND Thị xã Ngã Bảy phấn khởi cho biết thêm, Ngã Bảy có được như hôm nay chính là nhờ sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân thị xã Ngã Bảy, đồng lòng cùng chung sức thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra, Đảng bộ đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng tham gia thực hiện; hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới, sản xuất phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi, quốc phòng - an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn.

Cũng theo ông Dũng, Ngã Bảy sẽ tập trung phát huy những thành quả đã đạt được, trong thời gian tới, thị xã sẽ tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; huy động mọi nguồn lực tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn; phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao chất lượng các chỉ tiêu đô thị loại III, nông thôn mới, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, toàn diện. Khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội; phát huy truyền thống đoàn kết, phấn đấu trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 xây dựng thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Hậu Giang, thành phố vệ tinh năng động của Vùng ĐBSCL.

Tin liên quan
Tin khác