Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng mạnh vào sáng 27/4 sau khi Gazprom thông báo sẽ ngừng cung cấp tới Ba Lan và Bulgaria. Ảnh: AFP |
Động thái này diễn ra sau khi cả Ba Lan và Bulgaria - hai quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt của Nga - đều từ chối yêu cầu gần đây của Moscow về việc thanh toán khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng đồng rúp. Căng thẳng giữa Nga và các đồng minh phương Tây gia tăng khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang tháng thứ ba, tính từ ngày 24/2.
Theo đài CNBC, sáng sớm ngày 27/4 Tập đoàn Gazprom tuyên bố rằng họ đã ngừng cung cấp cho Ba Lan và Bulgaria do hai quốc gia này đã không thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp. Gazprom cho biết nguồn cung khí đốt đến hai thị trường này sẽ được khôi phục sau khi các khoản thanh toán bằng đồng rúp được thực hiện.
Trong tuyên bố, Gazprom cảnh báo Ba Lan và Bulgaria không được thực hiện bất kỳ hành vi "ngắt trái phép" nguồn cung cấp khí đốt chảy qua lãnh thổ của hai nước này.
"Bulgaria và Ba Lan là những quốc gia trung chuyển. Trong trường hợp ngắt trái phép khí đốt từ Nga quá cảnh sang các nước thứ ba, nguồn cung khí đốt quá cảnh sẽ bị giảm theo", Gazprom lưu ý.
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng mạnh vào sáng 27/4. Cụ thể, giá khí đốt bán buôn theo hợp đồng của Hà Lan - mức giá tham chiếu cho thị trường châu Âu - đã tăng 24,2% lên 115,75 euro (tương đương 122,40 USD) mỗi megawatt giờ, trong khi giá khí đốt tự nhiên của Vương quốc Anh giao tháng 6 đã tăng khoảng 20 pence lên 222 pence (tương đương 2,78 USD).
Theo thông tin của Công ty dầu khí nhà nước Ba Lan PGNiG, Gazprom đã thông báo vào ngày 26/4 rằng họ sẽ ngừng cung cấp qua đường ống dẫn nhiên liệu Yamal đến Ba Lan từ sáng 27/4.
Trong khi đó, Bulgaria chưa xác nhận nguồn cung khí đốt từ Nga bị ngừng, nhưng Thủ tướng nước này, ông Kiril Petkov, đã mô tả động thái của Nga là "hành động hăm dọa tống tiền", đồng thời cho rằng bất kỳ hành động ngừng cung cấp khí đốt đều sẽ vi phạm hợp đồng.
Reuters đưa tin, Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria, ông Alexander Nikolov, nói rằng nguồn cung khí đốt cho khách hàng vẫn được đảm bảo trong ít nhất 1 tháng tới.
Về phía Vương quốc Anh, Phó thủ tướng Dominic Raab nhận định động thái trên của Nga sẽ càng làm sâu sắc thêm tình trạng "bị cô lập kinh tế" của Moscow. Còn James von Moltke, Giám đốc tài chính tại Deutsche Bank (Đức) bình luận trên đài CNBC rằng hành động của Nga là một "dấu hiệu đáng lo ngại" và rằng mặc dù không có tác động kinh tế ngay lập tức, nhưng "nó vẫn là một rủi ro đối với triển vọng chung".
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, đã bác bỏ cáo buộc rằng Moscow đang sử dụng nguồn cung cấp khí đốt của mình để "hăm dọa tống tiền" Ba Lan và Bulgaria, đồng thời khẳng định Nga là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.
Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin từ chối tiết lộ có bao nhiêu quốc gia đã đồng ý chuyển sang thanh toán năng lượng nhập khẩu từ Nga bằng đồng rúp, theo Reuters.
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, vấn đề cung cấp khí đốt đã trở thành vấn đề căng thẳng giữa Nga và các nước láng giềng châu Âu và ở thời điểm đó, Moscow bị cáo buộc sử dụng nguồn cung năng lượng như một vũ khí địa chính trị.
Nga đã kịch liệt bác bỏ cáo buộc trên và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi những cáo buộc này là "vu cáo", đồng thời cho rằng Mỹ đã góp phần vào cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu vào mùa thu năm ngoái.
Nguồn cung khí đốt của Đông Âu dường như đang thay đổi và đang bị đe dọa khi sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine và áp lực lên Nga đang gia tăng.
Công ty dầu khí nhà nước Ba Lan PGNiG cho hay, đơn vị này đang theo dõi tình hình "và chuẩn bị cho các tình huống khác nhau", thậm chí tiếp nhận khí đốt từ các nguồn khác. Tuy nhiên, quốc gia Đông Âu này khẳng định hiện vẫn có đủ khí đốt tồn kho và đang đáp ứng được nhu cầu.
Gần 73% lượng khí đốt tự nhiên của Bulgaria trong năm 2020 được nhập khẩu từ Nga, theo dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU), trong khi Ba Lan nhập khẩu khoảng 45% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, cao hơn 5% so với mức nhập khẩu trung bình của toàn EU.
Chiến sự Nga - Ukraine nổ ra đã buộc EU phải tăng tốc cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga, thêm vào đó nó khiến Nord Stream 2 - dự án đường ống dẫn khí đốt Nga và Đức - bị hủy bỏ.
Không phải tất cả các quốc gia đều từ chối yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp của Moscow. Theo phản ảnh của đài CNBC, Hungary, quốc gia thành viên của EU, đã chấp thuận thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.
Ngoại trưởng Hungary cho biết hôm 27/4 rằng nước này đang tiếp nhận khí đốt từ Nga theo hợp đồng với Gazprom thông qua Bulgaria và Serbia.
"Tôi muốn đảm bảo với mọi người rằng việc không vận chuyển các lô hàng khí đốt đến Bulgaria không đồng nghĩa với việc nguồn cung quá cảnh qua Bulgaria bị ngưng lại", Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto bình luận trên trang Facebook của mình.