Một phần đường ống dẫn khí đốt của hệ thống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Động thái trên làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng mà châu Âu đối mặt khiến lạm phát của khu vực này tăng lên mức kỷ lục 9%, theo phản ánh của đài CNN.
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã cắt đứt toàn bộ việc vận chuyển khí đốt qua hệ thống đường ống Nord Stream 1 vào ngày 31/8; đồng thời thông báo việc ngừng vận chuyển khí đốt qua hệ thống này dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 3/9 để tiến hành công tác bảo trì.
Nord Stream 1 là hệ thống đường ống huyết mạch gánh trọng trách vận chuyển lượng khí đốt khổng lồ của Nga tới châu Âu. Đường ống này chiếm khoảng 35% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu vào năm ngoái và chảy trực tiếp đến Đức - nền kinh tế đầu tàu của Liên minh châu Âu.
Trong vài tháng trở lại đây, Gazprom đã cắt giảm nguồn khí đốt qua Nord Stream 1 xuống chỉ còn 20% công suất, với lý do tiến hành bảo trì và đổ lỗi cho việc phương Tây áp các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu công nghệ để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Trước đó, Nga cũng đã cắt đứt nguồn cung khí đốt cho một số quốc gia châu Âu mà Moscow xác định là "không thân thiện" và một số công ty năng lượng từ chối thanh toán bằng đồng rúp, thay cho đồng euro hoặc đô la Mỹ như đã thỏa thuận trong hợp đồng khí đốt. Các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng Nga đang cố gắng gây sức ép lên các nước ủng hộ Ukraine.
Công ty điện lực quốc gia Engie (EGIEY) của Pháp trở thành "nạn nhân" mới nhất của đợt cắt giảm khí đốt lần này. Ngày 30/8, Gazprom cho biết họ sẽ tạm dừng hoàn toàn việc giao hàng cho Engie kể từ ngày 1/9, đồng thời thông báo rằng họ chưa nhận được thanh toán đầy đủ từ Engie đối với đơn hàng mà Gazprom đã cung cấp trong tháng 7. Theo lý giải của Engie, việc Gazprom ngừng giao hàng là "do sự bất đồng giữa hai bên về việc áp dụng hợp đồng".
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, hoạt động xuất khẩu năng lượng của Moscow sang Liên minh châu Âu giảm mạnh đã khiến chi phí khí đốt và điện năng tại châu lục này tăng vọt. Châu Âu cũng đối mặt với nguy cơ thiếu hụt khí đốt vào mùa đông và giá cả tăng cao trên toàn châu lục.
Lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên 9,1% trong tháng 8/2022, theo ước tính sơ bộ của Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu vào ngày 31/8. Đây sẽ là mức lạm phát cao nhất kể từ khi Eurozone thống kê số liệu vào năm 1997.
Tăng tới 38% so với cùng kỳ năm trước, giá năng lượng trở thành tác nhân lớn nhất khiến lạm phát của Eurozone tăng kỷ lục trong tháng 8.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng gần 6% lên mức 284 EUR (tương đương 284 USD) mỗi megawatt giờ trong phiên giao dịch sáng ngày 31/8, nhưng sau đó đã giảm nhẹ trở lại. Giá khí đốt ở châu Âu được dự báo có thể tăng đột biến một lần nữa nếu hệ thống đường ống Nord Stream 1 vẫn ngừng hoạt động sau ngày 3/9 hoặc nếu các dòng chảy khí đốt được kích hoạt lại nhưng lưu lượng vận chuyển bị cắt giảm nhiều.
Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cảnh báo: "Vài tháng tới sẽ rất quan trọng." "Nếu Nga quyết định cắt đứt toàn bộ nguồn cung khí đốt trước khi châu Âu có thể nâng mức dự trữ lên đến 90%, tình hình sẽ còn nghiêm trọng và thách thức hơn", đại diện IEA lưu ý.