Cơ sở khí đốt tự nhiên Bovanenkovo ở bán đảo Yamal, Tây Bắc Siberia, thuộc Nga. AFP/TTXVN |
Theo quy định trong sắc lệnh của Điện Kremlin, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/2/2023 và kéo dài 5 tháng cho đến ngày 1/7/2023. Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu dầu thô cho những quốc gia áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga sẽ bắt đầu bị cấm từ ngày 1/2/2023, song thời điểm bắt đầu thi hành lệnh cấm đối với các sản phẩm từ dầu mỏ sẽ do Chính phủ Nga quyết định và có thể là sau ngày 1/2/2023. Sắc lệnh còn bao gồm một điều khoản cho phép Tổng thống Putin bãi bỏ lệnh cấm trong những trường hợp đặc biệt.
Hôm 26/12, hãng tin TASS dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nêu rõ Moskva không có ý định bán dầu mỏ cho những quốc gia ủng hộ biện pháp áp giá trần đối với dầu mỏ Nga.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Siluanov cho biết trong trường hợp nêu trên, Nga có thể hạn chế sản xuất dầu mỏ và sẽ tập trung điều hướng hoạt động này sang các nước khác. Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng đã đề cập tới thông tin Moskva sẽ không bán dầu mỏ cho những quốc gia chọn biện pháp áp giá trần và có thể cắt giảm sản lượng dầu từ năm tới.
Bộ trưởng Siluanov cũng nhắc đến khả năng thâm hụt ngân sách năm 2023 của Nga có thể cao hơn mức dự kiến 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do biện pháp áp giá trần ảnh hưởng đến nguồn thu, song Moskva sẽ tìm cách phát triển các thị trường mới nhằm khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu mỏ. Ông lưu ý một trong những khía cạnh quan trọng cần nhìn ra khi áp giá trần với dầu mỏ Nga là những quốc gia thực hiện biện pháp này sẽ không còn được cung cấp dầu Nga. Họ có thể tìm kiếm nguồn cung từ các nước khác, nhưng chi phí hậu cần sẽ tăng và mức ưu đãi giá cũng sẽ khác.
Tuần trước, Nga thông báo có thể cắt giảm 5-7% sản lượng dầu mỏ vào đầu năm 2023 nhưng Moskva sẽ đảm bảo thực hiện những cam kết chi tiêu công nhờ vào các nguồn vốn dự phòng. Theo Bộ trưởng Siluanov, nếu xuất khẩu sụt giảm, Nga sẽ có 2 nguồn tài chính bổ sung khác là Quỹ Tài sản quốc gia (NWF) và các khoản vay.
Biện pháp áp giá trần (ở mức 60 USD/thùng) đối với dầu mỏ Nga được vận chuyển bằng đường biển đến các quốc gia khác được Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nước nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia nhất trí, có hiệu lực từ ngày 5/12.