Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng cân nhắc chỉ tiêu lợi nhuận
Vân Linh - 02/02/2021 09:13
Trải qua một năm khó khăn do tác động của Covid-19 các ngân hàng đang lo ngại nợ xấu tăng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và dự phòng tăng sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của năm 2021.
Các ngân hàng kỳ vọng, khi Covid-19 được kiểm soát, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hồi phục sẽ tạo hiệu ứng tốt tới hoạt động tín dụng.

Cân nhắc chỉ tiêu

Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, năm 2021, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10-20%; tổng tài sản tăng 3-6%. Tín dụng tăng 8-11% và huy động tăng 10-12%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. SSI Research đưa ra dự báo rằng, VietinBank có thể thu 350 triệu USD từ thỏa thuận bancassurance từ thỏa thuận bảo hiểm độc quyền với Manulife được ký kết vào cuối năm 2020.

Trong khi đó, MSB lại đặt mục tiêu tăng lợi nhuận 30% mỗi năm. Theo đó, MSB đặt mục tiêu đạt tổng tài sản 340.400 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng kép gần 17% đến năm 2024 thông qua đầu tư công nghệ, tái cấu trúc nhóm khách ưu tiên...

MB đặt mục tiêu kinh doanh năm 2021 là tăng tốc số hóa, đột phá bán lẻ, an toàn, hiệu quả, tiếp tục duy trì top 5 ngân hàng kinh doanh tốt nhất, phấn đấu top 3 về chất lượng và hiệu quả, đồng thời dẫn đầu về số hóa. Theo đó, Ngân hàng đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 25-30% so với năm 2020, tương đương đạt hơn 14.600 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng khoảng 15% lên 545.000 tỷ đồng, tín dụng tăng trưởng theo chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao, nhưng phấn đấu ở mức cao nhất, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng hợp nhất dưới 1,3%. 

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành,  cho biết, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 25.200 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2020. Vietcombank cũng lên kế hoạch tổng tài sản tăng 6%, huy động vốn thị trường 1 tăng 8%, tín dụng tăng 12% và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1% trong năm nay.

Các nhà băng đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận ít nhất 10% năm nay là trên cơ sở xây dựng từ kết quả đạt được tích cực trong 2020 như: Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 22.529 tỷ đồng trong 2020 và lợi nhuận hợp nhất đạt 23.068 tỷ đồng, tương đương năm 2019; MB lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất đạt 10.688 tỷ đồng năm qua, tăng nhẹ 6,5% so với năm 2019, trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt 9.698 tỷ đồng; OCB đạt 4.414 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2020 vừa qua.

Kỳ vọng tín dụng tăng

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB thì cho hay, trên cơ sở đạt được của năm 2020, Hội đồng Quản trị và Ban điều hành OCB dự trình mục tiêu lợi nhuận 2021 của Ngân hàng tăng khoảng 15% so năm rồi, đạt mức 5.560 tỷ đồng trước thuế. Theo ông Tùng, khi kinh tế phục hồi, lãi suất được duy trì ở mức ổn định là điều kiện tăng tín dụng. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, cần kiểm soát chặt rủi ro tín dụng.

Từ thực tế trên cho thấy, không ít nhà băng báo lãi lớn trong 2020 vẫn chủ yếu từ lãi thuần tín dụng. Thu nhập lãi thuần năm 2020 của Techcombank đạt 18.800 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2020. ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9.596 tỷ đồng, tăng 27,7% so với năm trước và vượt 25,7% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 7.683 tỷ đồng, tăng 27,8%. Năm 2020, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của ACB tăng 20,4% mang về 80% tổng nguồn thu.

Các ngân hàng kỳ vọng, khi Covid-19 được kiểm soát, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hồi phục sẽ tạo hiệu ứng tốt tới hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, trên cơ sở tăng trưởng tín dụng trên 12% của năm 2020, Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cho biết, năm nay, NHNN đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay 12%. Đây là con số định hướng trong điều hành và NHNN sẽ có điều chỉnh khi cần thiết.

Mới đây, thông tin gây chú ý là, một số nhà băng đã được cấp hạn mức tín dụng từ 3 - 4% so với cuối năm 2020 dành riêng cho quý I/2021. Tuy nhiên, thông tin này khiến nhiều người nghĩ rằng, NHNN đã thay đổi cách thức cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng. Theo đó, tín dụng sẽ được cấp linh hoạt theo các quý, nghĩa là, NHNN sẽ căn cứ vào tình hình phát triển của nền kinh tế, vào năng lực của từng ngân hàng để điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng.

Thực tế, năm 2020, tăng trưởng tín dụng phân hóa mạnh giữa các nhóm ngân hàng. Trong khi một số ngân hàng tăng trưởng cao trên 20%, có nhà băng tăng chưa tới 10%, thậm chí, ngay cả ngân hàng lớn như Eximbank lại có mức tăng trưởng âm.

Năm 2021, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho toàn ngành khoảng 12%, con số này có phần thận trọng, bởi xét trong bối cảnh bình thường, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn khoảng 2 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP là hợp lý.

SSI Research ước tính, lãi thuần của ngân hàng trong năm 2021 sẽ cao hơn 15% so với năm 2020; tín dụng tăng 12-13% so cùng kỳ. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tại nhiều ngân hàng sẽ được cải thiện. NIM trung bình năm 2021 sẽ tăng 10 điểm cơ bản lên 3,56%. Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi năm nay cũng tiếp tục tăng khoảng 8,7% so với với năm 2020, do thu nhập thuần từ phí phục hồi bù đắp cho sụt giảm thu nhập từ kinh doanh ngoại hối và trái phiếu chính phủ.

Việc thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN sửa đổi sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của các ngân hàng, khi những khoản nợ tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ khó có thể thu hồi được sớm, buộc ngân hàng phải tăng trích dự phòng bao nợ xấu.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng

Tin liên quan
Tin khác