Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng tăng cho vay tiêu dùng, chặn bớt tín dụng “đen”
Trần Mạnh - 29/01/2021 20:37
Agribank đã tiếp một lượng lớn vốn cho thị trường nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho người dân có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, không phải đi vay các tổ chức tài chính bất hợp pháp.
ngân hàng thương mại chủ lực, những năm qua, Agribank đã tiếp một lượng lớn vốn cho thị trường nông nghiệp, nông thôn.

Ngân hàng “đấu” tín dụng “đen”

Bị trấn áp, tín dụng “đen” không còn công khai lộng hành, song vẫn như vòi bạch tuộc lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố nước ta với lãi suất cho vay cắt cổ, quan hệ vay - mượn mang tính chất áp đặt, chụp giật, lừa đảo. Việc đòi nợ cũng dẫn đến nhiều chuyện đau lòng, gây những hệ lụy xã hội, nhiều gia đình tan nát…

Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt như, Bộ Công an rất tích cực trong việc trấn áp tín dụng “đen”, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn chính thức... song tín dụng đen ngày càng tinh vi, núp bóng, trá hình. Nhu cầu vốn của người dân quá lớn, trong khi kênh tín dụng chính thức chưa thể đáp ứng hết mọi nhu cầu của người dân là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Chính vì vậy, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, ngành ngân hàng đang tích cực đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, góp phần đẩy lùi và dẹp bỏ tín dụng “đen”. “Nếu là những nhu cầu chính đáng, cấp bách của người dân như đi khám chữa bệnh, học hành… thì sẽ được tạo điều kiện tiếp cận tối đa về tín dụng”, ông Đào Minh Tú khẳng định.

Agribank là một trong những ngân hàng đi đầu về cuộc chiến chống tín đụng “đen”. Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, tính đến cuối năm 2020, Ngân hàng đã cung ứng 1,6 triệu tỷ đồng nguồn vốn cho nền kinh tế (bình quân mỗi tháng là gần 135.000 tỷ đồng). Dư nợ cho vay khách hàng hộ sản xuất và cá nhân gần 840.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 7%, chiếm gần 70% dư nợ cho vay nền kinh tế, chiếm gần 50% dư nợ của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt, dư nợ cho vay tiêu dùng của ngân hàng đạt gần 250.000 tỷ đồng, gấp gần 5 lần quy mô dự kiến ban đầu (5.000 tỷ đồng), với gần 500.000 khách hàng được vay vốn để đáp ứng nhu cầu cấp bách của người dân như chữa bệnh, nộp học phí, hỗ trợ khách hàng kịp thời ngoài nguồn vốn đã được ngân hàng cho vay để phát triển sản xuất, kinh doanh...)…

Điều này cho thấy, Agribank đã nỗ lực huy động và đầu tư một lượng vốn lớn cho thị trường nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện cho người dân có vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, không phải đi vay các tổ chức tài chính bất hợp pháp. 

Ngoài ra, Agribank cũng đang thực hiện có hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách, 2 chương trình tín dụng mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đối với cho vay xây dựng nông thôn mới, Agribank triển khai cho vay đến 100% số xã trên toàn quốc với dư nợ đạt gần 600.000 tỷ đồng.

Hiện đại hóa kênh thanh toán nông thôn, tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng

Ngoài việc đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu vay vốn của khách hàng, Agribank còn chú trọng đẩy mạnh phát triển các công cụ thanh toán phục vụ khách hàng, năm 2020, Agribank đã phát hành gần 3,5 triệu thẻ thanh toán, nâng số lượng thẻ thanh toán đang hoạt động lên gần 14 triệu thẻ.

Từ năm 2019, Agribank còn triển khai Đề án Đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn với trên 212.000 thẻ được phát hành, tổng hạn mức thấu chi qua thẻ cấp cho khách hàng là gần 2.000 tỷ đồng, số POS đã triển khai trên địa bàn nông thôn là hơn 3.000 POS.

Để tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình và các giải pháp góp phần hạn chế tín dụng “đen”, Agribank đã ưu tiên xét duyệt và giải ngân trong ngày khi nhận được đầy đủ bộ hồ sơ hợp lệ đối với các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết, có nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng…

“Ngân hàng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… để tuyên truyền, quảng bá chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình đến người dân, đặc biệt là bà con khu vực vùng sâu, vùng xa-nơi người dân ít có điều kiện tiếp cận thông tin- nhằm đáp ứng nhu cầu vốn chính đáng, góp phần hạn chế ảnh hưởng của tín dụng “đen”, ông Phạm Toàn Vượng chia sẻ.

Agribank chú trọng nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân thông qua hàng trăm sản phẩm dịch vụ tiện ích, đa dạng kênh phân phối; trong đó với việc phát triển trên 69.000 tổ vay vốn với gần 1,4 triệu thành viên, triển khai an toàn 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với gần 14.500 phiên giao dịch, phục vụ hơn 1,2 triệu khách hàng tại địa bàn 400 xã trên toàn quốc, đưa ngân hàng về gần dân hơn, đảm bảo cho người dân được tiếp cận nguồn vốn và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng một cách nhanh chóng và an toàn.

Trong bối cảnh tín dụng “đen” vẫn còn đất sống, không chỉ có giải pháp của riêng ngành ngân hàng hay các cơ quan bảo vệ pháp luật, mà cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan đoàn thể hữu quan, chính quyền địa phương, vai trò truyền thông của báo chí và sự hợp tác của người dân, nhằm chung tay đẩy lùi nạn tín dụng “đen”.

Tin liên quan
Tin khác