Ngân hàng - Bảo hiểm
"Kìm" tín dụng đen, Bộ Công an muốn ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng
T.L - 10/11/2020 14:02
Trước lo ngại của đại biểu quốc hội về tín dụng đen, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm mong muốn ngân hàng đa dạng hóa hình thức cho vay tiêu dùng để góp phần kìm chế tín dụng đen.
 Bộ Công an mong muốn ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để góp phần đẩy lùi tín dụng đen

Đại biểu Quốc hội sốt ruột vì vấn nạn tín dụng đen

Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra lo lắng vì tín dụng đen đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, dù tín dụng đen truyền thống đã giảm sau khi bị truy quét, song cho vay qua app lại nổi lên với thủ đoạn đòi nợ còn tàn khốc hơn tín dụng đen truyền thống rất nhiều.

“Trên thực tế đã có hàng chục nghìn người dính bẫy tín dụng đen kiểu này với số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng, mặc dù ban đầu chỉ vay vài triệu để tiêu dùng. Có thể thấy loại hình tín dụng đen kiểu mới đã biến những con nợ nhỏ thành những con nợ lớn, chất chồng những khoản nợ không thể trả”, bà Thủy khẳng định.

Tương tự, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cũng bày tỏ lo lắng khi tín dụng đen đã “gõ cửa” từng nhà, đặt dịch vụ tận tay người dân bằng hàng trăm app điện thoại với thủ tục cho vay vô cùng đơn giản. Người dân tưởng vớ được phao cứu sinh, song cuối cùng lại chết chìm từ những chiếc phao này.  

Thông tin gửi tới Báo Đầu tư, nhiều khách hàng cũng cho biết khốn đốn bởi vay tiền qua các app tín dụng đen. Theo anh Trần Viết T. (Bắc Ninh), tháng 9/2020, anh có tải app Mo Dong và đăng ký vay. Sau đó, app này thông báo cho vay 1,6 triệu đồng, kỳ hạn 7 ngày, nhưng số tiền mà app này giải ngân thực tế chỉ là 1 triệu đồng (600.000 còn lại trừ vào các loại phí). Sau 7 ngày, anh phải trả 1,6 triệu đồng. Như vậy, với số tiền thực vay 1 triệu đồng, anh phải trả lãi suất gần 8,6%/ngày, tương đương lãi suất hơn 3.000%/năm. Hay như chị Hoàng Thị Nh. (Hà Tĩnh) từ khoản vay nhỏ 2,9 triệu đồng từ app Vay tia chớp vào tháng 4/2020 nay số tiền nợ đã phình lên hơn 50 triệu đồng.

Theo khảo sát của Báo Đầu tư, hiện trên thị trường đang có khoảng 100 trang web cho vay qua mạng đang hoạt động, đi kèm là hàng chục app cho vay liên tục quảng cáo, mời chào người vay với lãi suất dao động khoảng 240-360%/năm (20-30%/tháng) đến hơn 3.000%/năm. Mặc dù gần đây, nhiều app tín dụng đen bị lực lượng công an triệt phá nhưng vẫn liên tục mọc ra nhiều app mới như vòi bạch tuộc.  Nhu cầu vay của người dân quá lớn cộng với lợi nhuận thu về quá khủng khiếp, chế tài xử lý lại chưa thực sự nghiêm khắc khiến các đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động bất chấp.  
Trung tá Ngô Hồng Vương, Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) khẳng định, đang nở rộ nhiều hình thức tín dụng đen trực tuyến, lãi suất cho vay lên tới 1.400%/năm. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân bị các đối tượng khống chế, đe dọa, nên không dám tố cáo, hợp tác, cung cấp tài liệu với cơ quan công an.

Trước lo lắng của các đại biểu quốc hội và người dân, trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm qua (9/11), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, nhờ sự trấn áp mạnh mẽ của lực lượng công an, thời gian qua, tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, tình hình tín dụng đen vẫn còn tiềm ẩn, nhất là cho vay qua mạng Internet. Nguyên nhân của tình trạng này là nhu cầu vay của người dân vẫn còn nhiều, do đó tội phạm tín dụng đen vẫn còn đất để hoạt động mạnh.

Ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để kìm tín dụng đen

Về giải pháp chống tín dụng đen thời gian tới, ngoài trấn áp tội phạm, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng nhất để là các ngân hàng phải tiếp tục cần đa dạng hóa các hình thức cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay vón, đồng thời siết chặt quản lý tín dụng, không để các đối tượng lợi dụng nguồn tiền từ ngân hàng đưa ra hoạt động tín dụng đen. Bên cạnh đó, phải xây dựng các hành lang pháp lý để quản lý các hoạt động tín dụng cho vay qua mạng.

Trao đổi với báo Đầu tư, ông  Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, để chống tín dụng đen, việc trấn áp là chưa đủ. “Giải quyết vấn đề kinh tế phải bằng giải pháp kinh tế. Tín dụng đen bùng phát chủ yếu là do nhu cầu vay cấp bách của người dân. Vì vậy, để giải quyết  tín dụng đen, giải pháp gốc rễ là phải đáp ứng được nhu cầu vốn của người dân có thu nhập thấp, trung bình. Muốn làm được điều này, cần khuyến khích các kênh cho vay chính thức như ngân hàng, công ty tài chính… tham gia cho vay tiêu dùng”, ông Kiên nói.

Thời gian qua, rất nhiều ngân hàng cũng đã tích cực cho vay cá nhân với mục đích tiêu dùng, tiêu biểu như Agribank, BIDV, TPBank, VBank, Techcombank…

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, đầu năm nay, Agribank đã dành nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng để cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình, song kết quả giải ngân đến thời điểm này đã lên tới 19.000 tỷ đồng (gấp gần 4 lần quy mô dự kiến ban đầu).   

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu vay tiêu dùng của Việt Nam vẫn rất lớn. Việc ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng vừa giúp ngân hàng cải thiện hệ số sinh lời, vừa giúp người vay tiếp cận với lãi suất rẻ. Do cho vay tiêu dùng rủi ro cao nên lãi suất cho vay tiêu dùng được ngân hàng áp dụng cao hơn lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh song vẫn thấp hơn hàng trăm lần - thậm chí cả nghìn lần - so với lãi suất tín dụng đen. Ngoài ra, thủ tục cho vay của ngân hàng cũng ngày càng được đơn giản hóa. Vì vậy, người dân có nhu cầu vay vốn cho mục đích tiêu dùng hợp pháp nên mạnh dạn tìm đến ngân hàng thay vì đâm đầu vào tín dụng đen.

Tin liên quan
Tin khác