Ngân hàng
Ngân hàng Chính sách xã hội nỗ lực đẩy lùi tín dụng đen
Hà An - 20/03/2019 09:30
Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng đã yêu cầu các chi nhánh tại các tỉnh, thành phố phối hợp với các ban, ngành, địa phương nắm bắt sơ bộ tình hình hoạt động, ảnh hưởng của tín dụng đen đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tín dụng đen xuất hiện ở địa phương này từ năm 2016, len lỏi tất cả địa bàn, đặc biệt trong đồng bào dân tộc thiểu số, nên rất khó khăn trong ngăn chặn. Với thủ tục đơn giản, gói vay đa dạng, tín dụng đen đã tiếp cận sát, thậm chí lợi dụng các tổ chức hội quần chúng liên quan để phát triển mạnh. Năm 2017, một loạt xe 113 chở toàn thành phần “hảo hán” đi đòi nợ, khiến có nơi dân tưởng công an đến đòi nợ. Trên địa bàn tỉnh có 17 doanh nghiệp đòi nợ thuê.

Câu chuyện ở Lâm Đồng mới là một phần nổi của nạn tín dụng đen diễn biến phức tạp. Do điều kiện cuộc sống và nhu cầu cấp bách, người dân chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi. Hoạt động của xã hội đen đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế, an ninh xã hội.

Ngay sau hội nghị ngày 26/12/2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 8/1/2019 chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các nhiệm vụ hoạt động tiền tệ ngân hàng, trong đó có nhiều giải pháp để góp phần hạn chế tín dụng đen. “Ngân hàng Chính sách xã hội đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo…”, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng đã ban hành Văn bản số 5653/NHCS-TDNN ngày 28/12/2018 yêu cầu các chi nhánh tại các tỉnh, thành phố phối hợp với các ban, ngành, địa phương nắm bắt sơ bộ tình hình hoạt động, ảnh hưởng của tín dụng đen đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. “Báo cáo của các địa phương cho thấy, số lượng khách hàng đang vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội chịu tác động của tín dụng đen chiếm tỷ lệ rất nhỏ”, ông Lý thông tin.

Tính đến ngày 10/1/2019, có 9 tỉnh, thành phố, với 147 khách hàng, dư nợ 3.703 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội có liên quan đến tín dụng đen. Trong đó, tại Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum chỉ có 2 hộ đang dư nợ 92 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội có liên quan đến tín dụng đen. Họ chủ yếu bị tác động bởi người thân trong gia đình vay nặng lãi bên ngoài để phục vụ nhu cầu mua sắm tài sản, các nhu cầu đột xuất do ốm đau, hiếu hỉ...

“Đến ngày 31/1/2019, dư nợ tín dụng chính sách xã hội tại Tây Nguyên đạt 16.353 tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với gần 525.000 hộ gia đình đang còn dư nợ (chiếm gần 40% hộ dân trong khu vực), bình quân dư nợ 31 triệu đồng/hộ”, ông Lý nói.

ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các nhiệm vụ hoạt động tiền tệ ngân hàng, trong đó có nhiều giải pháp để góp phần hạn chế tín dụng đen

Để phát huy hiệu quả vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội trong nỗ lực đẩy lùi tín dụng đen, ông Lý kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng xem xét bố trí vốn từ ngân sách nhà nước theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2019 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho Ngân hàng Chính sách xã hội; mở rộng đối tượng thụ hưởng của các chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg với đối tượng là hộ có mức sống trung bình; mở rộng cho vay xuất khẩu lao động với đối tượng là lao động thuộc hộ mới thoát nghèo.

Đồng thời, nâng mức cho vay chương trình học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg lên mức 2,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên, để phù hợp với mức tăng học phí và biến động giá cả thị trường; nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn, thương nhân vùng khó khăn lên 100 triệu đồng/hộ vay, chương trình cho vay giải quyết việc làm lên 100 triệu đồng/lao động và thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư hiệu quả các dự án sản xuất - kinh doanh quy mô lớn với đối tượng đầu tư có chu kỳ sinh trưởng (kỳ luân chuyển vốn) dài hạn. 

“Cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định (ngày 31/12/2020); đồng thời cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm và cho phép kéo dài thời hạn vay vốn tối đa đến 10 năm…”, ông Lý nói.

Tin liên quan
Tin khác