Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng Chính sách xã hội và hành trình 17 năm kiến tạo giá trị mới
Việt Hải - 09/10/2019 20:33
Trong 17 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội đã hoàn thiện hệ thống các chính sách, khơi dậy những nguồn lực mới, đặc biệt là định hướng dòng vốn vào các mô hình phát triển kinh tế có tác động lan tỏa sâu, giúp người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các điểm giao dịch xã, phường trong cả nước đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi dễ dàng, thuận lợi hơn.

Dặm dài kiến tạo từng giá trị cuộc sống

Sổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội của bà Nguyễn Thị Kim ở phường Đức Thuận, TX. Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh chỉ còn trang cuối cùng còn trắng. Hơn 10 năm vay vốn chính sách, sổ vay đã kín đặc các chương trình từ hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Riêng chương trình cho vay học sinh, sinh viên có tới 3 lần vay cho 3 con học đại học, với số tiền lên tới trên 101 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Kim cho biết, gia đình bà có 7 người con, điều kiện kinh tế khó khăn. Nhưng nhờ vào việc tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình bà đã thoát nghèo. Bà khẳng định, nếu không có nguồn vốn vay giúp sức, chỉ có cậu con trai đầu được đi học đại học, con gái phải nghỉ học, phụ giúp cha mẹ lo cuộc sống hàng ngày. Từ năm 2015 đến nay, các con ra trường có việc làm, giúp bà trả nợ ngân hàng và sửa sang căn nhà để che mưa nắng lúc tuổi già.

Có thể thấy, 17 năm hoạt động, tín dụng chính sách xã hội phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu với hơn 20 chương trình đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho vay khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Chỉ tính riêng giai đoạn sau khi áp dụng chuẩn nghèo mới từ năm 2016 đến nay, đã có gần 7,7 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay đạt 211.744 tỷ đồng; góp phần giúp trên 1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 745.000 lao động (trên 16.000 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài); gần 200.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 4,6 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; trên 105.000 căn nhà ở cho hộ nghèo...

Hứa hẹn những bứt phá mới từ tư duy và cách làm sáng tạo

Trong 9 tháng đầu năm 2019, doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 54.983 tỷ đồng, tăng 6.156 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, với hơn 1,62 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 162.000 lao động, trong đó hơn 4.800 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 12.000 học sinh, sinh viên vay vốn học tập; xây dựng hơn 1 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng trên 12.000 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống...

Đến ngày 30/9/2019, tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 200.813 tỷ đồng, tăng 13.021 tỷ đồng (+6,9%) so với cuối năm 2018, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 14.618 tỷ đồng. Thậm chí, chính quyền cấp xã cũng quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách sách trên địa bàn.

Ngay cả nguồn vốn của Chính phủ, nhưng phương thức và cách thức đưa vào đời sống lồng ghép cùng các dự án phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của địa phương cũng tạo ra những giá trị cộng hưởng và lan tỏa cao hơn đối với các hộ nghèo và đối tượng chính sách, giúp họ có tăng tốc giảm nghèo, tự rút ngắn khoảng cách thu nhập và hội nhập kinh tế giữa các địa phương vùng miền.

Ví như ở Ninh Thuận. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm được tỉnh định hướng cho vay vào các dự án trọng điểm như duy trì phát triển nghề dệt, làm gốm truyền thống đã giúp hộ nghèo từng bước tạo nên các mô hình sản xuất quy mô lớn, giải quyết việc làm cho địa phương.

Những mô hình kinh tế năng động mà Ngân hàng Chính sách xã hội đang truyền dẫn, thắp lửa trong cộng đồng đã và đang góp phần đưa kết nối hộ nghèo và các đối tượng chính sách vào các chuỗi sản xuất lớn có giá trị gia tăng cao hơn. Đây cũng là hướng đi mà Ngân hàng Chính sách xã hội cùng các địa phương đang xây dựng để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong những năm tới.

Tin liên quan
Tin khác