Mobile money được nhận định là mang tính bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh với các ngân hàng. Ảnh: Đức Thanh |
Doanh nghiệp viễn thông sốt ruột xin giấy phép
Nếu chủ thuê bao di động có 1 triệu đồng trong tài khoản, hiện số tiền này chỉ được dùng để thanh toán cước gọi điện, nhắn tin, dữ liệu data. Song nếu đăng ký mobile money, chủ thuê bao có thể sử dụng để thanh toán hóa đơn, mua sắm trên mạng… mà không cần có tài khoản ngân hàng.
Sự tiện lợi của mobile money khiến hình thức thanh toán này dự kiến bùng nổ nếu được cấp phép. Đây cũng là lý do khiến các nhà mạng đang sôi sục muốn triển khai ngay. Ngoài Viettel và VNPT đã được cấp giấy phép trung gian thanh toán, MobiFone cũng đã nộp hồ sơ. Mục tiêu của cả ba nhà mạng này khi xin giấy phép trung gian thanh toán đều là mobile money. Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về công nghiệp 4.0 diễn ra giữa tuần qua, lãnh đạo của Viettel và VNPT đều lên tiếng thúc giục các cơ quan quản lý cấp nhanh giấy phép dịch vụ này.
Mobile money đang là một xu hướng trên thế giới. Tính đến cuối năm 2018, đã có 90 quốc gia triển khai mobile money với 272 dự án và 866 triệu tài khoản đăng ký mới, tăng 20% kể từ năm 2017.
Do không cần liên kết với tài khoản ngân hàng, mobile money nhắm tới phân khúc khách hàng không có tài khoản ngân hàng, từ đó sẽ đẩy nhanh phổ cập tài chính tới người dân. Bên cạnh đó, mobile money có thể triển khai các dịch vụ như giải ngân các khoản vay, tài trợ cho người dân cho đến thanh toán các dịch vụ thiết yếu, hành chính công, giáo dục, vận chuyển... Mobile money còn dễ kết hợp với các công ty thương mại điện tử, giao vận, tài chính... để tạo nên một hệ sinh thái, thúc đẩy lưu thông tiền tệ, thương mại quốc gia và tăng trưởng kinh tế.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ủng hộ quan điểm phát triển mobile money và đang hoàn chỉnh đề án trước khi cho phép triển khai. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), mobile money là một ví điện tử, với khác biệt lớn nhất là không cần liên kết với tài khoản ngân hàng. Điều này không phù hợp với quy định hiện hành, nên phải có quy định trước khi triển khai thí điểm.
Lý do khiến nhiều cơ quan chức năng lo ngại về mobile money là tính xác thực của thông tin khách hàng, tính an toàn, bảo mật, nguy cơ lừa đảo, rửa tiền, trốn thuế… Do không thông qua tài khoản ngân hàng, việc nạp tiền vào mobile money sẽ được thực hiện qua đại lý, nên việc quản lý luồng tiền của các đại lý, giám sát các đại lý nhận tiền của người dùng cho các trung gian thanh toán… là điều mà cơ quan chức năng phải lường trước để có giải pháp ngăn chặn.
Ngân hàng có ngại mobile money
Tính đến hết tháng 6/2019, cả nước có 134,5 triệu thuê bao điện thoại di động, trong đó có 51,1 triệu thuê bao di động băng rộng. Với nền tảng khách hàng lớn cộng với tính tiện lợi cao, khi được triển khai, mobile money sẽ là đối thủ đáng gờm của các ví điện tử khác. Vậy các nhà băng thì sao?
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank khẳng định: “Mobile money là hệ thống thanh toán nhỏ lẻ, không cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng. Chúng tôi ủng hộ sự phát triển của mô hình này và mong rằng, mobile money trở thành cánh tay nối dài của Ngân hàng”.
Theo ông Thắng, Ví Việt (ví điện tử của LienVietPostBank) dù phát triển rất tốt, nhưng đang gặp khó khăn là người ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn không thể nạp tiền vào ví để chi tiêu. Nếu cho phép mobile money được nạp tiền vào Ví Việt hoặc có hệ thống đại lý nạp tiền vào ví thì rất tốt. Khi đó, đầu làng có ông bán nước, cuối xóm có bà bán tạp hóa được phép làm dịch vụ đại lý nạp tiền vào ví điện tử, người dân mới có thể sử dụng ví điện tử thuận lợi. “Tôi rất mong NHNN cởi trói về cơ chế để các đại lý làm cánh tay nối dài cho các ngân hàng, từ đó đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Thắng nói.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại nhận định, mobile money hay các fintech đều nhắm vào thị trường ngách, vào phân khúc nhỏ lẻ mà các ngân hàng không đủ sức phủ sóng hết. Vì vậy, mobile money mang tính bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh với các ngân hàng, cùng tạo lập thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy nhanh tài chính toàn diện. Mobile money phát triển cũng sẽ thúc đẩy hợp tác ngân hàng - fintech để đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng, mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Tới đây, nếu NHNN cho phép áp dụng xác thực điện tử (eKYC), người dân được mở tài khoản trực tuyến, ngân hàng sẽ mở rộng hoạt động về vùng sâu, vùng xa. Khi đó, cạnh tranh giữa ngân hàng và ví điện tử có thể gay gắt hơn, song mỗi bên vẫn có lợi thế riêng.
Cả ngân hàng lẫn các fintech đều khẳng định, với thị trường mà thói quen sử dụng tiền mặt còn ngự trị như Việt Nam, miếng bánh thanh toán vẫn còn cho cả hai khai phá. Vấn đề là làm sao các ví điện tử, các ứng dụng ngân hàng đủ sức hấp dẫn để thu hút người dùng.
Hiện cả nước có gần 30 ví điện tử, nhưng khách hàng chủ yếu tập trung ở 5 loại ví. Cùng với sự ra mắt của các tân binh như mobile money, thời gian tới sẽ chứng kiến sự đào thải của một số ví điện tử. Các ngân hàng cũng phải nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh. Trong cuộc đua này, đơn vị nào cung cấp dịch vụ tốt, thu phí hợp lý và có hệ sinh thái đa dạng sẽ là người chiến thắng.