Ngân hàng
Ngân hàng có thêm thời gian xử lý nợ xấu
Vân Linh - 25/06/2022 08:27
Việc kéo giãn thời gian xử lý nợ theo Nghị quyết 42/2017/QH14 nhằm tránh gián đoạn, thiếu hụt cơ chế, tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 tại thời điểm ngày 15/8/2017 là 541.600 tỷ đồng. Ảnh: Đ.T

Kéo dài đến hết ngày 31/12/2023

Tại Nghị quyết kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.

Trong thời gian kéo dài trên, Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu tại Báo cáo số 174/BC-CP ngày 11/5/2022, chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết. Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023).

Nghị quyết cũng nhấn mạnh, các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro, bao gồm nguy cơ nợ xấu, lạm phát tăng cao; sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn; công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa có chuyển biến tích cực… Do đó, Nghị quyết yêu cầu Chính phủ và các cơ quan kiểm soát chặt chẽ lạm phát, nợ xấu và có giải pháp căn cơ, bền vững nhằm định hướng nguồn lực của nền kinh tế vào sản xuất, kinh doanh.

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Trần Du Lịch, quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 còn gặp nhiều khó khăn về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, thủ tục thay đổi đăng ký giao dịch bảo đảm khi mua bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Vì vậy, cần thiết kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết và hoàn thiện các quy định về xử lý nợ xấu.

Khó phát mãi tài sản thu hồi nợ

Ông Nguyễn Văn Du, quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết, thời gian qua, Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu đã tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng có thể xử lý nợ xấu tốt hơn. Dù vậy, vẫn có một số biện pháp chưa phát huy hết hiệu quả và Quốc hội vừa thống nhất kéo dài hiệu lực nghị quyết này đến hết năm 2023 trong thời gian chuẩn bị việc luật hóa xử lý nợ xấu.

Theo ông Du, sở dĩ việc xử lý nợ xấu của ngân hàng còn khó là dù bất động sản từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 có giá rất cao, song số giao dịch thành công không nhiều, vẫn ít người mua. Trong khi đó, một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 như khách sạn, nhà hàng cũng phải rao bán trong bối cảnh sự phục hồi của ngành du lịch chưa mạnh mẽ.

Mặt khác, một trong những kênh xử lý nợ xấu là sàn mua bán nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã đi vào hoạt động từ cuối năm ngoái, nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Các ngân hàng chủ yếu tự xử lý nợ, thay vì đưa qua sàn mua bán nợ VAMC, do sàn chưa sôi động.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, các tài sản nợ xấu mà ngân hàng đưa ra bán đấu giá được thực hiện theo phán quyết của tòa án, các quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu, hoặc theo thỏa thuận với khách hàng. Lần đầu tiên đấu giá tài sản nợ xấu, ngân hàng thường đưa ra mức giá khởi điểm bằng nợ gốc cộng với một khoản lãi nhất định. Trong khi đó, nhiều năm trước, khi quyết định cho vay, một số nhà băng đã định giá tài sản thế chấp cao hơn giá trị thực, dẫn đến số vốn cho vay cao gấp nhiều giá trị tài sản...

Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380.200 tỷ đồng, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.

Tính trung bình nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5.670 tỷ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3.250 tỷ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực (từ năm 2012 - 2017). Nhiều khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản được các ngân hàng liên tục rao bán, hạ giá nhiều lần, nhưng chưa thể xử lý.
Tin liên quan
Tin khác