Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng đặt kế hoạch lãi ngàn tỷ
Vân Linh - 05/04/2017 08:32
Nhiều ngân hàng hé lộ chỉ tiêu lợi nhuận ngàn tỷ đồng trong năm 2017, nhưng thực tế, các nhà băng không dễ đạt được mục tiêu tham vọng của mình, nếu không hy sinh cổ tức.

Nhiều ngân hàng vào câu lạc bộ lợi nhuận ngàn tỷ

Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của Ngân hàng Techcombank (dự kiến diễn ra ngày 15/4 tại Hà Nội) cho thấy, mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2017 là hơn 5.020 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ lên gần 14.000 tỷ đồng, nâng tổng tài sản lên gần 280.000 tỷ đồng, huy động vốn tăng 31% và dư nợ tín dụng tăng 16%.

Kết thúc năm 2016, tổng tài sản toàn ngân hàng này đạt 235.363 tỷ đồng, tăng 22,6% so với năm 2015 và đạt 106% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.997 tỷ đồng, tăng 96,2% so với năm 2015 và đạt 113% kế hoạch. Tổng huy động đạt 173.449 tỷ đồng, tăng 21,9% so với năm 2015 và đạt 101% kế hoạch.

.

Ngày 10/4, Ngân hàng Á Châu (ACB) sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ tại TP.HCM. Hội đồng Quản trị ACB cho biết, kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2017 được trình ĐHĐCĐ ở mức 2.205 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2016; tăng trưởng tín dụng ở mức 16%; huy động vốn từ tiền gửi khách hàng, tổng tài sản cũng tăng 16%...

Như vậy, sau một giai đoạn đẩy mạnh tái cấu trúc, ACB đang dần trở lại đường đua mới, với chỉ tiêu lợi nhuận trên ngàn tỷ đồng. Kết thúc năm 2016, lợi nhuận trước thuế của toàn Tập đoàn ACB đạt 1.667 tỷ đồng, tăng 27% so với 2015 và đạt 111% kế hoạch cả năm. Dư nợ ACB năm qua tăng nhanh, ở mức 21%.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) sẽ tiến hành họp ĐHĐCĐ vào ngày 21/4. Năm qua, HDBank đạt tổng lợi nhuận trước thuế 1.282 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay, tăng tới 63% so với năm trước đó. Năm 2017, HDBank phấn đấu cho vay đạt 123.491 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 1.643 tỷ đồng.

Khá thận trọng khi xây dựng chỉ tiêu

HĐQT Techcombank cho biết, năm 2017 sẽ đi theo hướng tăng đóng góp từ thu phí dịch vụ trong tổng doanh thu để giảm thiểu rủi ro tín dụng và sự phụ thuộc vào dư nợ. Tuy nhiên, áp lực dự phòng rủi ro vẫn đè nặng lên chỉ tiêu lợi nhuận.

Để đạt được kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho năm 2017, theo ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, Ngân hàng tập trung tăng trưởng tín dụng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ; cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng nhằm cải thiện thu nhập phí từ hoạt động dịch vụ. Bên cạnh đó, ACB tập trung xử lý, thu hồi nợ xấu; tái cấu trúc nguồn lực...

Còn theo đánh giá của lãnh đạo HDBank, môi trường kinh doanh năm 2017 có thuận lợi hơn khi tín dụng được dự báo dần cải thiện, song cũng có khó khăn nhất định. Vì vậy, chỉ tiêu lợi nhuận mà Ngân hàng xây dựng cho năm nay phải được cân nhắc kỹ.

Đối với khối ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước, mặc dù lợi nhuận năm qua đạt mức khá, song các ngân hàng này cũng tỏ ra thận trọng.

Chẳng hạn, tổng tài sản của Vietcombank dự kiến tăng 11%, tín dụng tăng 18%, huy động vốn tăng 15%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5% và lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 12% (năm 2016 tăng 23,4%). Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) lại cho rằng, Vietcombank tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, do giảm chi phí dự phòng và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính, khả năng tín dụng năm nay sẽ tiếp tục cải thiện, song ngân hàng khó kỳ vọng vượt room 18% như mục tiêu ngành đưa ra. Lý do là, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam muốn chủ động kiểm soát rủi ro tín dụng, nhất là với rủi ro tín dụng bất động sản. Trong khi đó, lợi nhuận của ngân hàng Việt Nam chủ yếu đến từ tín dụng (chiếm đến 80%).

TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Nghiên cứu kinh tế (Tập đoàn Dragon Capital) cho biết, lợi nhuận làm ra hàng năm đều được các ngân hàng ưu tiên trích dự phòng rủi ro, nhất là ở những nhà băng nợ xấu cao. Điều đó cũng có nghĩa là cổ đông phải hy sinh cổ tức.

Tin liên quan
Tin khác