Lợi nhuận ngân hàng lớn tăng mạnh
Theo ghi nhận từ Vietcombank, 17.592 tỷ đồng là lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng 2019, đánh dấu các quý liên tiếp ngân hàng này tiếp tục đạt lợi nhuận dẫn đầu hệ thống. Với kết quả này, tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank đã đạt tới 50,6% so với cùng kỳ năm 2018, nhiều khả năng sẽ tiếp tục ghi kỷ lục đã xác lập từ năm trước, vượt qua mốc lợi nhuận 20.000 tỷ đồng ở năm nay.
Một ngân hàng một ngân hàng thương mại top đầu khác cũng vừa “hé lộ” lợi nhuận quý III tăng trưởng hơn 50% so với quý III/2018 là HDBank. Như vậy, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng 2019 của nhà băng này sẽ vượt 3.400 tỷ đồng và là kết quả 9 tháng cao nhất từ trước đến nay.
Với kết quả này, dự kiến các hệ số sinh lời trên tài sản (ROA) và sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của HDBank sẽ ở mức lần lượt 1,7% và 20,2%, mức cao so với trung bình ngành.
Tính đến 30/9/2019, tổng tài sản của HDBank vượt 217 nghìn tỷ đồng. Tổng huy động hơn 193 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng khoảng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Chất lượng tài sản của ngân hàng được khẳng định vẫn ở mức rất tốt, với tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,1%.
Trên đường đua công bố sớm báo cáo tài chính 9 tháng 2019 với top dẫn đầu còn sự hiện diện quen thuộc của Ngân hàng Quân Đội (MB) với tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng ở mức 29% so với cùng kỳ 2018, ghi nhận lợi nhuận lũy kế 7.086 tỷ đồng.
Đóng góp cho cơ cấu doanh thu của MB bên cạnh thu nhập lãi thuần và hoạt động dịch vụ cao, còn có lãi từ hoạt động kinh doanh khác tăng 1,5 lần lên 887 tỷ đồng, đồng thời hoạt động đầu tư góp vốn dài hạn cũng chuyển từ âm 48 tỷ đồng năm trước sang có lãi 160 tỷ đồng trong năm nay.
TPBank khá ấn tượng khi thông báo tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng qua tương đương gần 50% so với cùng kỳ 2018. Theo đó, lợi nhuận trước thuế TienphongBank lũy kế đạt 2.404 tỷ đồng.
Ngoài ra, một loạt các tổ chức như Sacombank, Saigonbank, LienVietPostBank…cũng đã rôm rả thông báo kết quả lợi nhuận và các chỉ số tích cực: Sacombank ghi lãi 2.491 tỷ đồng; Saigonbank khá đột phá khi lợi nhuận quý III “bẩy” kết quả lợi nhuận lũy kế trước đó từ 88 tỷ đồng vượt lên trên 220 tỷ đồng; LienvietPost Bank cũng đã công bố mức lợi nhuận trước thuế trên 1.600 tỷ đồng…
Triển vọng quý cuối năm
Nhìn chung, các ngân hàng có thông tin kinh doanh sớm và mang lại cho thị trường những kết quả tốt lành, đi đầu vẫn là các tổ chức đã có đà tăng trưởng ổn định và tích cực từ 2 quý trước. Nhiều tổ chức đồng thời cũng là những nhà băng đã ghi tên mình vào danh sách đạt Basel II trước thời hạn như Vietcombank, HDBank, MBBank,…
Kết quả tăng trưởng tốt trong 9 tháng 2019 của các tổ chức tín dụng không chỉ xóa tan quan ngại về khả năng phân hóa sâu hoặc giảm tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng do room tín dụng ở nhiều tổ chức đã gần cạn và chi phí vốn lại tăng; mà ngược lại dự báo mùa bội thu của các tổ chức tín dụng trong niên độ tài chính 2019 đang rất gần.
Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Tuy kỳ vọng tăng trưởng tín dụng giảm, song kết quả điều tra “Xu hướng kinh doanh” mới nhất do NHNN (Vụ Dự báo, thống kê) tiến hành vào tháng 9/2019 vừa được công bố cho thấy, tình hình kinh doanh quý 3/2019 theo nhận định của các tổ chức tín dụng tiếp tục có cải thiện rõ nét hơn so với quý 2/2019.
Cụ thể, có 76,5% tổ chức tín dụng nhận định tình hình kinh doanh cải thiện tốt hơn, trong đó 20,6% là “cải thiện nhiều”.
Dự kiến trong thời gian tới, 82,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong quý 4/2019 và 87,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 “cải thiện” hơn so với năm 2018, trong đó 28,4-29,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng “cải thiện nhiều” (cao hơn so với tỷ lệ 20-27,4% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6/2019).
Kết quả điều tra trên cũng cho biết, dự kiến đến cuối năm 2019, 91% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2018, 3% tổ chức tín dụng kỳ vọng không đổi và 6% tổ chức tín dụng lo ngại suy giảm.
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Bùi Quang Tín, sự phân hóa lợi nhuận hiện nay là mỗi nhà băng có sự chuẩn bị khác nhau từ nhiều năm trước, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống chịu sự ảnh hưởng bởi hạn mức tín dụng, yêu cầu đáp các tiêu chí an toàn Basel II. Nhưng có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là các ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động dịch vụ bù lại cho tăng trưởng từ hoạt động tín dụng.