Thương vụ VPBank - SMBC là điểm nhấn của thị trường M&A tài chính - ngân hàng năm 2023 |
Nhộn nhịp M&A ngân hàng, công ty tài chính
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Trần Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng Dịch vụ tài chính, Khối Dịch vụ nghiên cứu thị trường và tư vấn (Công ty cổ phần FiinGroup Việt Nam) cho rằng, ngân hàng là một trong những lĩnh vực có hoạt động M&A sôi nổi nhất từ đầu năm đến nay.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ có khoảng 10 giao dịch đạt ngưỡng 1.000 tỷ đồng trở lên, nhưng tổng giá trị lên tới 2,3 tỷ USD. Trong đó, ngân hàng là một trong hai lĩnh vực hút giao dịch M&A lớn nhất.
Tháng 10/2023, VPBank thông báo hoàn tất giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), thu về 1,5 tỷ USD. Giữa tháng 5, SHB hoàn thành việc chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho đối tác Krungsri (Thái Lan), 50% còn lại sẽ thanh toán vào 3 năm sau. Krungsri từng tiết lộ, ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ baht Thái (tương đương 156 triệu USD) cho thương vụ.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng vừa chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTE) cho AEON Financial Service Co., Ltd. - thành viên của AEON Group (Nhật Bản) - với giá trị giao dịch lên tới 4.300 tỷ đồng.
- Bà Trần Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng Dịch vụ tài chính, Khối Dịch vụ nghiên cứu thị trường và tư vấn (Công ty cổ phần FiinGroup Việt Nam)
Ngoài các thương vụ đã hoàn tất, còn rất nhiều thương vụ khác đang trên bàn đàm phán. Đơn cử, với thông báo về việc bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, SHB đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo ước tính của Reuters, thỏa thuận tiềm năng có thể định giá SHB ở mức 2 - 2,2 tỷ USD. Nếu mức định giá này được thông qua và thương vụ bán 20% cổ phần thực hiện thành công, SHB sẽ thu về hàng trăm triệu USD.
Một số ngân hàng khác như LPBank, Vietcombank, BIDV… cũng đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. BIDV đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch bán 9% vốn cho nhà đầu tư ngoại trong năm nay. Vietcombank dự kiến phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài và đang ở bước thuê tổ chức tư vấn.
Còn với BIDV, theo chia sẻ của ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Ban lãnh đạo Ngân hàng rất nỗ lực để thực hiện kế hoạch bán vốn và đã tiếp xúc với 38 nhà đầu tư trong 3 năm qua, nhưng do điều kiện không thuận lợi, nên kế hoạch chưa thành.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về hoạt động M&A lĩnh vực tài chính - ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, so với các ngân hàng trong khu vực, thì tỷ suất sinh lời của các ngân hàng Việt Nam hiện khá cao; triển vọng tăng trưởng của thị trường khá hấp dẫn. Đây là lý do các ngân hàng nước ngoài rất quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.
Còn với tài chính tiêu dùng, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá: “Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang rất tiềm năng. Mặc dù thị trường này đang gặp khó khăn tạm thời, song vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển. Nhìn vào triển vọng thị trường, nhà đầu tư có tiềm lực và tin tưởng vào chính sách của Chính phủ sẵn sàng đổ vốn vào lĩnh vực này”.
Chuyển giao bắt buộc sẽ là tâm điểm
Bên cạnh các thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém sẽ là tâm điểm thị trường M&A ngân hàng trong thời gian tới.
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (OceanBank, GPBank, CB, DongABank). NHNN tiếp tục tập trung triển khai giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt; chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định để hoàn thiện phương án chuyển giao bắt buộc, trình Chính phủ phê duyệt.
NHNN cũng cho biết, đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc triển khai thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và phối hợp với tổ chức tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Bà Phạm Thị Nhung, Phó tổng giám đốc VPBank cho biết, VPBank đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để tiếp quản một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc và sẽ bắt tay ngay vào việc tái cơ cấu ngân hàng này ngay khi được chuyển giao.
Trước đó, MB, Vietcombank và HDBank cũng công bố kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà mua ngân hàng yếu vì chất lượng tài sản quá xấu, thủ tục phức tạp.
“Tôi cho rằng, hình thức chuyển giao bắt buộc này phù hợp với những ngân hàng phải chuyển giao bắt buộc có tổng tài sản dưới 100.000 tỷ đồng, như CB, GPBank, OceanBank, DongABank. Bên nhận chuyển giao bắt buộc là những ngân hàng lớn, nếu thấy có triển vọng khắc phục được nợ xấu, cải thiện chất lượng tài sản đảm bảo của ngân hàng yếu kém, thì họ vẫn tham gia tái cơ cấu”, TS. Nghĩa nêu quan điểm.
M&A ngân hàng vẫn rộng mở
Bà Kiều Oanh nhận định, M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam còn nhiều cửa thoáng, do cuộc đua tăng vốn điều lệ vẫn tiếp diễn và nhiều ngân hàng Việt Nam vẫn còn trống room ngoại.
Hiện nay, bộ đệm vốn của nhiều ngân hàng thương mại vẫn còn rất mỏng. Các ngân hàng tại nhiều quốc gia trong khu vực đã thực hiện hoàn toàn hoặc một phần Hiệp ước Basel III, trong khi nhiều ngân hàng Việt Nam mới thực hiện Basel II. Do đó, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023, lãnh đạo 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đều khẩn thiết đề xuất sớm được tăng vốn.
Trong Chỉ thị số 01/CT-NHNN ban hành đầu năm 2023, NHNN tiếp tục khuyến khích các nhà băng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.
Sự chú ý sẽ đổ vào một số ngân hàng có dư địa nới room cho nhà đầu tư ngoại khi duy trì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn mức tối đa theo quy định (30%) để tạo dư địa huy động vốn, như VIB (20,5%), OCB (22%),
Techcombank (22,47%), MB (23,23%). Đây là các ngân hàng có “sức khỏe” tài chính tương đối lành mạnh trong hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, còn một số ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp, gần như chưa sử dụng đến room ngoại, như SeABank, Bac A Bank, Nam A Bank, BVBank, KienLongBank, PG Bank, VietABank, VietBank… Trong số đó có một số ngân hàng có nền tảng tài chính yếu hơn. Tùy theo “khẩu vị” rủi ro, nhà đầu tư có thể lựa chọn trở thành đối tác chiến lược của các ngân hàng này, nhưng cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định.
Tuy vậy, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, các ngân hàng trong nước muốn thu hút được nhà đầu tư ngoại cần phải có kết quả hoạt động tốt, có năng lực quản trị vững vàng, minh bạch… Đầu tư vào ngân hàng, điều mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm không phải là lợi nhuận cao, mà là lợi nhuận ổn định, bền vững.
Bên cạnh chất lượng tài sản, một trong những vấn đề khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi M&A ngân hàng trong nước là câu chuyện các tập đoàn “sân sau”, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản rủi ro như hiện nay.