Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, dư nợ cho vay trên địa bàn Thành phố đến cuối tháng 8 đạt 1,374 triệu tỷ đồng, tăng 11,24% so với cuối năm 2015 và tăng 20,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là năm thứ hai liên tiếp, tín dụng tăng mạnh.
Theo ông Minh, tín dụng cho vay của các ngân hàng chủ yếu dành cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (chiếm trên 80%), bất động sản chiếm 13%, còn lại là lĩnh vực khác. “Dư nợ tín dụng bất động sản tăng do thị trường này ấm lên và tập trung chủ yếu ở khối khách hàng cá nhân”, ông Minh nói.
Bất động sản khởi sắc tạo cơ hội cho tín dụng ngân hàng. Ảnh: Đức Thanh |
Khác với các năm trước, năm 2016, tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu khả quan ngay từ những tháng đầu năm. Mặt bằng lãi suất dần giảm về mức hợp lý, cùng với đó là thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục được duy trì tốt, thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm dần lên là lý do để các ngân hàng đẩy mạnh vốn cho vay vào lĩnh vực này cũng như đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng.
Các ngân hàng cho hay, tín dụng cải thiện ngay những tháng đầu năm một phần nhờ bất động sản ấm dần. Một phó tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank cho biết, tín dụng của Sacombank tăng trong 8 tháng đầu năm chủ yếu nhờ cho vay mua nhà. Đó cũng là chủ trương của Sacombank về tăng trưởng tín dụng. Sacombank không đặt mục tiêu đẩy mạnh vốn cho kinh doanh bất động sản, cho chủ đầu tư, mà tập trung cho vay đối với khách hàng cá nhân cần vốn mua nhà.
Lãi suất cho vay mua nhà hiện nay được các ngân hàng áp dụng ở mức tương đối phù hợp. Tại Ngân hàng ACB, lãi suất cho vay mua nhà dao động ở mức 9 - 10%/năm. Thậm chí, trong 1 - 2 năm đầu, ACB ưu đãi mức lãi suất 8%/năm, nên khách hàng có thể xem xét tiếp cận khoản vay với lãi suất phù hợp để sở hữu căn hộ hoặc mua nhà, đất.
Đáng chú ý hơn, một số ngân hàng, như OCB, Eximbank, VPBank… áp dụng mức lãi suất ưu đãi cố định trong thời gian 2 - 3 năm để khuyến khích khách hàng vay vốn mua nhà, đất khi lãi suất giảm. Tuy nhiên, nợ xấu của ngân hàng chậm xử lý hiện nay có phần do bất động sản đóng băng, khó khăn kéo dài, nhất là các tài sản đảm bảo đó không có tính linh động và độ lưu động cao. Do đó, vấn đề đặt ra là, các bộ, ngành cần khuyến khích thị trường nhà đất, đồng thời có chính sách đi kèm để ngăn ngừa rủi ro và các mặt tiêu cực của nó.
TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường đại học Mở TP.HCM) cho rằng, trong thời gian tới sẽ có các chính sách đi kèm để thị trường phát triển, đồng thời ngăn ngừa rủi ro đối với thị trường nhà đất.
Đó cũng chính là lý do để NHNN ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Theo đó, giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài và hạn từ 60% xuống còn 50% áp dụng đầu năm 2017 và có lộ trình giảm thêm, đồng thời tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản từ 150% lên 200%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Thông tư 06/2016/TT-NHNN sẽ tác động tích cực lên thị trường nhà đất, bởi NHNN đã có lộ trình cho phép các ngân hàng điều chỉnh.
Thực tế cho thấy, ngân hàng hiện nay chủ yếu huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Do vậy, nếu không có lộ trình thì sẽ rất khó khăn cho các ngân hàng. TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, phải kiên trì với lộ trình đưa ra, bởi nếu ngân hàng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn quá nhiều sẽ tạo lỗ hổng cho hệ thống ngân hàng thương mại và rủi ro gia tăng. Trong khi đó, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, cần kiểm soát chặt chất lượng tín dụng bất động sản, nhất là khi dư nợ tín dụng ngân hàng tăng, trong đó có bất động sản.